Bình ổn giá sữa, hiệu quả nhưng chưa bền vững

07:57, 20/05/2015

Để quản lý giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục áp giá trần từ ngày 1/6/2015 đến hết năm 2016. Song song với biện pháp bình ổn giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng yêu cầu các doanh nghiệp sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá của các sản phẩm dưới 24 tháng tuổi, kê khai lại giá bán nhằm “hạ nhiệt” giá sữa.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Việc can thiệp “mệnh lệnh hành chính” là việc làm “cực chẳng đã”. Giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời. Điều quan trọng, các cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ để xác định yếu tố đầu vào của sản phẩm sữa, hệ thống phân phối; tạo chính sách thúc đẩy sản xuất sữa bột “made in Viet Nam”.

 

Giảm không đáng kể

 

Theo Bộ Tài chính, lần đầu tiên sau nhiều năm, kể từ khi Bộ Tài chính quyết định bình ổn giá sữa (tháng 6/2014) đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng. Trong khi trước đó, một năm phát sinh tới 3 - 4 lần doanh nghiệp kê khai điều chỉnh giá.

 

Hiện nay, thị phần sữa ở các hệ thống siêu thị mới chỉ chiếm 5 - 7%, trong khi giá bán vẫn cao nên đòi hỏi phải giảm giá hơn nữa.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú.

Tính đến ngày 25/4, cơ quan quản lý giá đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 686 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ giảm từ 0,1- 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Với mức giảm này, có những loại giá sữa (không nhiều) đã giảm tới khoảng 60.000 - 80.000 đồng/hộp. Ví dụ: Enfagrow A+3 900gr EFG 309E có mức giảm giá cao nhất là 34,55%, tương ứng giảm 122.800 đồng/hộp hoặc Enfamil A+900 gr EFM 109E giảm 119.300 đồng/hộp.

 

Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, trong mấy ngày qua, tại siêu thị LotteMart, giá bán sữa Progress Gold đã giảm 4.000 đồng/hộp với giá bán mới là 371.000 đồng/hộp; Nan Gro giá cũ 317.000 đồng/hộp, giá mới 314.000 đồng/hộp, Lactogen Gold giá cũ 214.000 đồng/hộp, giá mới thấp hơn 2.000 đồng/hộp. Các loại sữa Enfamil, EnfaGrow mức giảm từ 1- 1,1%; sữa Friso Gold, Dutch Lady giảm từ 1,6 - 3,6%.

 

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết: Ngay sau khi có yêu cầu của Bộ Tài chính, Co.opmart đã cùng với các nhà cung cấp rà soát nguồn hàng và giảm giá theo quy định. “Việc áp dụng mức trần giá bán lẻ chung cho toàn thị trường nhưng chi phí bán hàng của các kênh truyền thống thường thấp hơn siêu thị đã gây khó khăn cho kênh bán lẻ hiện đại. Vì vậy, để đảm bảo giá bán không vượt trần theo quy định, Co.op Mart phải giảm lợi nhuận một cách tối đa và tận dụng tính hệ thống để gia tăng quyền lợi cho khách hàng thông qua nhiều hình thức”, ông Hoàng Anh nói.

 

Với các cửa hàng bán lẻ, giá sữa cũng có sự giảm nhẹ. Tại các cửa hàng sữa ở đường Nguyễn Thông (quận 3, TP Hồ Chí Minh), giá bán sữa còn thấp hơn mức tối đa mà các hãng sữa công bố. Ví dụ: Sữa Optimum Step 2 hộp thiếc 900 g có giá 355.000 đồng (giá tối đa 356.840 đồng)… Điều này cho thấy, dư địa của việc giảm giá (kể cả đang áp trần) vẫn còn và người tiêu dùng đáng lẽ đã có thêm cơ hội mua sữa giảm giá.

 

Lúng túng trong kiểm soát giá

 

“Hiện thị trường có vài chục nghìn cửa hàng bán sữa, khoảng 200 nhà nhập khẩu sữa, liệu Bộ Tài chính hay cơ quan chức năng khác có đủ người và lực để đi kiểm tra, kiểm soát giá thường xuyên. Tạm thời mới chỉ đề cập tới sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi, còn bao nhiêu sản phẩm sữa khác như dành cho người ốm, người gầy”, ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi. Cũng theo ông Phú, thông tin nguyên liệu, giá thành sữa, kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa vẫn khiến cơ quan quản lý lúng túng, không nắm được. Sự phối hợp giữa thương vụ ngoại giao, ngành thuế và hải quan còn lỏng lẻo. Đó là chưa kể sự biến tấu, lách luật của các hãng sữa trong việc “thay tên, đổi họ” nhằm né việc kê khai, đăng ký giá.

 

Mới đây, Cục Quản lý giá đã yêu cầu các doanh nghiệp sữa thuộc diện phải đăng ký, kê khai giá soát, loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá của các sản phẩm dưới 24 tháng tuổi. Theo đó, sẽ có khoảng gần 70 sản phẩm sữa phải kê khai giảm giá với mức giảm từ 0,4- 4% kể từ ngày 20/4. Tuy nhiên một số doanh nghiệp sữa cho rằng: Từ khi quyết định có hiệu lực đến việc thông báo giá bán lẻ sữa phải có độ trễ gần 1 tháng do các công ty phải tính toán, thông báo và điều chỉnh giá. Vì vậy, từ ngày 15/5, các doanh nghiệp sữa mới bắt đầu giảm giá.

Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Mặc dù theo dự báo của Tổ chức nông lương thế giới của Liên Hợp quốc tại Báo cáo khái quát về nông nghiệp 2014– 2023, giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem, bột whey có xu hướng giảm trong năm 2015 bình quân khoảng 5,8%. Thế nhưng, giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại thị trường một số nước luôn thấp hơn sản phẩm tương tự tại thị trường Việt Nam.

 

“Theo Vụ Kinh tế tổng hợp- Bộ Ngoại giao, giá bán trung bình sản phẩm sữa bước 1– bước 4 của Việt Nam là 16 USD/kg nhưng giá tương tự của Thái Lan chỉ là 14 USD/kg sản phẩm; của Philippines là 12 USD/kg sản phẩm; của Malaysia là 10 USD/kg sản phẩm và của Indonesia là 9,5 USD/kg sản phẩm”, ông Tuấn nói.

 

Theo ông Tuấn, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. “Giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm nhưng tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá tới tác động giảm này, dẫn tới nghi vấn chuyển giá”, đại diện Cục Quản lý giá nói. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa thể trả lời khi nào có kết luận cuối cùng về những doanh nghiệp chuyển giá, bởi đây là công tác đòi hỏi cần sự cẩn trọng, đủ dữ liệu điều tra.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí đầu vào đang trong xu thế giảm là cơ sở chắc chắn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa thực hiện chủ trương bình ổn giá của Chính phủ. Người tiêu dùng đang đòi hỏi sự chia sẻ lớn hơn từ phía các doanh nghiệp qua tiết giảm các chi phí không hợp lý, cũng như điều tiết lợi nhuận để tiếp tục giảm giá.