Mỗi huyện, thành phố, thị xã lựa chọn một khu dân cư và một phường, xã để làm điểm về công tác mặt trận với các nội dung như: Giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm ma túy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Thông qua những mô hình này để làm nòng cốt cho các phong trào thi đua, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, đây là một trong những giải pháp Ủy ban MTTQ tỉnh đang thực hiện nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác của MTTQ các cấp.
Xóm Mỏ Đá, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) là một trong những địa phương được chọn làm điểm về công tác mặt trận với nội dung là huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Ông Hoàng Văn Mạc, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Cũng như các vùng nông thôn khác, vấn đề môi trường ở xóm tương đối phức tạp. Dân cư trong xóm khá tập trung, với 195 hộ, hơn 700 nhân khẩu, lại có đường tỉnh 269 đi qua nên nhiều gia đình làm làm dịch vụ buôn bán. Trước năm 2014, xóm đã vận động các gia đình nộp tiền để thu gom rác nhưng chỉ một số hộ dân kinh doanh thực hiện. Được chọn làm điểm, Chi bộ xóm đã họp và xây dựng riêng một nghị quyết chuyên đề về nội dung này. Theo đó, phân công các đoàn thể vận động hội viên và các gia đình đóng góp mỗi khẩu 5 nghìn đồng/tháng để thu gom rác thải sinh hoạt. Đến nay, 100% gia đình trong xóm đã thực hiện nghiêm quy định này. Bên cạnh đó, Chi bộ cũng chỉ đạo Chi hội Phụ nữ phát động phong trào “Nhà sạch, ngõ đẹp” trong toàn thể hội viên. Định kỳ cuối năm, sẽ có một tổ được phân công kiểm tra, chấm điểm rồi đưa ra bình xét, những gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn được gắn biển “Nhà sạch, ngõ đẹp”. Ngoài ra, hằng tháng xóm cũng phân công các đoàn thể quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khu nhà văn hóa. Cách làm ở Mỏ Đá trở thành điểm sáng để các địa phương khác học tập. Ông Hoàng Văn Mạc cho rằng: Kinh nghiệm của chúng tôi là tăng cường sự lãnh đạo của Chi bộ đối với các đoàn thể, khi đoàn thể hoạt động tốt thì việc vận động hội viên và người dân sẽ thuận lợi.
Xóm Phú Nam 3 và 4, xã Phú Đô (Phú Lương) lại được chọn làm điểm về công tác giảm sát và phản biện xã hội. Ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Phú Nam 3 cho rằng: Trước đây, tôi thấy giám sát và phải biện xã hội là một nội dung rất trừu tượng, không hiểu chức năng giám sát của Ban công tác Mặt trận thực hiện ở đâu, nội dung là gì, phản biện ra sao… Sau khi được sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp trên thì nội dung này đã được xóm thực hiện bài bản và quy củ hơn. Ví dụ cụ thể là công trình đường bê tông liên xóm, đoạn qua Phú Nam 3 dài hơn 1km. Công trình được Nhà nước hỗ trợ 65% kinh phí, mỗi nhân khẩu đối ứng 1,2 triệu đồng, UBND xã giao cho xóm chịu trách nhiệm giám sát chính. Một tổ giám sát cộng đồng của xóm gồm 9 thành viên được thành lập, gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, đại diện các đoàn thể và người dân. Thành viên của tổ và người dân được phân công sẽ thường xuyên giám sát trong suốt quá trình làm đường. Chính nhờ sự sát sao này mà tổ đã phát hiện đơn vị thi công đoạn qua khu vực nhà văn hóa không đảm bảo kỹ thuật, trộn bê tông không đúng quy cách và đường không có vách ngăn ở giữa, tổ đã yêu cầu lập biên bản và làm lại. Cũng trên tuyến đường này, Tổ giám sát cộng đồng và người dân xóm Phú Nam 4 đã phát hiện đơn vị thi công lấy đá ở sông thay cho đá nghiền (theo hồ sơ kỹ thuật) để làm đường nên đã yêu cầu tạm dừng. Ông Nguyễn Văn Thăng, Bí thư Chi bộ xóm Phú Nam 4 cho biết: Về nội dung phản biện xã hội, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi họp xóm, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân đối với các công việc tập thể, khi tất cả đồng thuận mới tổ chức thực hiện.
Với cách làm tương tự, các mô hình điểm về công tác mặt trận khác đã lựa chọn được nội dung thực hiện phù hợp và đạt hiệu quả tích cực. Có thể kể đến mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc với CLB phụ nữ hát Then tại xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai); thực hiện công tác tiếp xúc cử tri tại xã Quy Kỳ (Định Hóa); MTTQ tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Đồng Liên (Phú Bình); công tác phòng, chống tội phạm và HIV/AIDS tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh: hiệu quả mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác mặt trận tại cơ sở. Điều đáng ghi nhận là cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ các cấp đã có sự chỉ đạo, định hướng sát sao trong quá trình thực hiện, tổ chức tổng kết và rút kinh nghiệm. Từ các mô hình này, vai trò của Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở đã được phát huy tích cực.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Xây dựng các mô hình điểm là một trong những giải pháp thiết thực lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện chương trình phối hợp giữa MTTQ, chính quyền và các đoàn thể. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện và nhân rộng các mô hình này, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ cơ sở, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai nhiệm vu.