Chủ động phòng bệnh trước mùa cao điểm

18:12, 25/05/2015

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm, số người tử vong do bệnh dại của toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ. Lượng người bị chó nghi mắc dại cắn đi tiêm phòng cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Đây là những con số cảnh báo khi toàn tỉnh bước vào mùa hè - thời gian cao điểm trong năm của bệnh dại. Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh đã có 3 người tử vong do bệnh dại, 1 trường hợp nghi mắc dại đã tử vong và 4.165 người tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại. Trung bình, mỗi ngày có tới 35 người đi tiêm tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại. Toàn tỉnh có 7 điểm tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại tại Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh và 6 huyện, thị (trừ huyện Phú Lương và huyện Đồng Hỷ không có điểm tiêm phòng) nhưng “nóng” nhất là điểm tiêm tại Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh. Mỗi ngày, ở đây trung bình có từ 25 đến 30 người đến tiêm phòng. Hầu hết người đến tiêm đều do bị chó nghi mắc dại cắn.

 

Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bệnh dại trên đàn chó đã xuất hiện nhiều tại hầu khắp các huyện/thành trong tỉnh, nhiều nhất tại các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Sông Công, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên. Liên tục xuất hiện các trường hợp chó có biểu hiện lên cơn dại chạy rông và cắn người hàng loạt, đồng thời cắn nhau với chó nhà nuôi tại các địa phương. Chính vì thế, từ năm 2014 đến nay, lượng người bị chó cắn phải đi tiêm phòng liên tục tăng. Nếu như năm 2014, lượng người tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại tăng gần gấp đôi năm 2013 thì những tháng đầu năm, lượng người tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại tiếp tục tăng thêm trên 30% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Trong số 3 trường hợp bệnh nhân xác định tử vong do dại năm 2015 thì có tới 2 trường hợp nạn nhân không đi tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại. Bệnh nhân đều có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sợ gió, sợ nước, sợ tiếng động, nuốt khó, tăng tiết đờm rãi, sốt, co giật. Khi gia đình đưa đến bệnh viện khám và điều trị thì bệnh dại đã phát tác mạnh, không thể cứu chữa...

 

Trường hợp thứ nhất là anh Phạm Ngọc T. ở xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên). Anh T. bị chó chạy dông cắn vào đầu tháng 1-2015 nhưng vì chủ quan, không đi tiêm nên đã phát bệnh dại và tử vong vào ngày 12-2. Trường hợp cháu Hoàng Văn K. ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) bị chó nhà cắn đầu tháng 11-2014 nhưng không đi tiêm phòng và đến ngày 1-1-2015 thì lên cơn dại và tử vong. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lương cho biết: Đây là trường hợp đặc biệt đáng tiếc bởi chỉ sau 2 ngày cắn cháu K. con chó đã ốm chết nhưng gia đình đã không đưa cháu đi tiêm mà đưa cháu đi “thử” bệnh dại bằng các biện pháp không có căn cứ khoa học dẫn đến suy nghĩ chủ quan với bệnh dại và hậu quả đáng tiếc.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Hoàng Anh cho biết: Bệnh dại do virus dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người, hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, tiêm vắc xin/huyết thanh phòng dại là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh dại khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi ngời bị dại cắn. Trong những trường hợp thông thường, vắc xin/huyết thanh phòng dại có tác dụng hiệu quả trên 99% phòng bệnh dại.

Để ngăn chặn bệnh dại lây lan trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2015, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ngành đoàn thể liên quan và chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại. Đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh dại trên đàn chó và trên người; vận động nhân dân trong vùng có dịch nuôi chó phải xích nhốt, đảm bảo vệ sinh thú y. Mọi trường hợp bị chó, mèo cắn hoặc tiếp xúc với nguồn lây đều phải được khám, tư vấn và tiêm vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại nếu cần thiết. Huy động các nguồn lực để tổ chức tiêm miễn phí vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi...

 

Theo Thạc sĩ Hoàng Anh, ngay tại Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, phòng tiêm vacxin đã bố trí ca trực thường trú, sẵn sàng tiêm cho bệnh nhân khi có nhu cầu bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính; tăng cường thêm vắc xin, dụng cụ y tế cho các phòng tiêm có đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm y tế các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Định Hóa... Mặc dù vậy, trong khi tỷ lệ tổi thiểu để đạt được miễn dịch trên tổng đàn chó theo yêu cầu là 70% thì toàn tỉnh mới chỉ thực hiện được 58%. Đây là nguy cơ rất lớn gây bùng phát bệnh dại trên địa bàn. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân tiêm phòng dại đầy đủ cho vật nuôi theo hướng dẫn và lịch tiêm của cơ quan thú y; các gia đình, nhất là gia đình có trẻ em cần hạn chế tiếp xúc với vật nuôi lạ... Khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi người bị dại cắn, vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.