Có điện vẫn phải thắp đèn

16:24, 13/05/2015

Chỉ cách thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) hơn 1km nhưng gần 5 năm nay, hơn 20 hộ dân ở tổ dân phố Nguyễn 2 vẫn phải sống trong tình trạng thiếu điện. Điều này đã khiến cho việc sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn, vất vả.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng thiếu điện ở địa phương, bà Tạ Thị Thủy, Tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn 2 cho biết: Tổ có 110 hộ thì có hơn 20 hộ bị thiếu điện sinh hoạt, tình trạng này đã diễn ra khoảng 5 năm nay. Nguyên nhân là bởi hầu hết các hộ này đều nằm ở cuối tổ, cách xa nguồn điện. Trong khi đó, hệ thống dây dẫn điện về từng gia đình lại được mắc cách đây từ hơn 20 năm, phần lớn đó là các dây điện trần nhỏ, tải trọng yếu nên sau thời gian sử dụng quá lâu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trạm biến áp được xây dựng từ năm 1993 cũng luôn trong tình trạng quá tải vì phải cung cấp điện cho khoảng 300 hộ dân ở 3 tổ dân phố Nguyễn 1, Nguyễn 2 và Mỹ Sơn. Do thiếu điện sinh hoạt nên cuộc sống của các hộ dân trong tổ gặp rất nhiều khó khăn. Ban đêm, khi nhu cầu sử dụng điện ít thì nguồn điện còn ổn định hơn nhưng ban ngày và buổi tối thì hầu hết các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, quạt… đều không thể sử dụng được vì điện chập chờn, rất dễ bị cháy. Để chủ động trong sinh hoạt, các cho gia đình đều sắm đèn dầu hoặc đèn tích điện dùng khi trời tối. Nếu nhà nào muốn sử dụng máy bơm nước thì phải chờ đến 1 giờ sáng vì đó là lúc nguồn điện khỏe nhất, tuy vậy nhưng lúc nào cũng phải có người đứng canh bởi nếu điện yếu đột ngột là phải rút điện kịp thời để tránh bị cháy máy.

 

Để cải thiện nguồn điện cho gia đình, một số hộ dân đã tự bỏ tiền mua dây dẫn điện mới rồi thuê thợ đấu nối từ trạm biến áp về. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm như vậy bởi chi phí đầu tư cho việc này khá lớn. Ông Tạ Quốc Hưng là hộ dân vừa kéo xong đường điện mới cho biết: Nhà tôi có 3 cháu nhỏ, trước đây điện yếu cứ đến mùa hè là đêm chúng trằn trọc không ngủ được vì nóng, ngoài ra tôi còn phải thay các vật dụng chạy bằng điện trong nhà liên tục vì dòng điện chập chờn nên hỏng cả. Để có nguồn điện ổn định, gia đình tôi đã góp tiền với 2 hộ nữa thay toàn bộ đường dây điện, tổng chi phí mất hơn 50 triệu đồng. Đến nay, điện của nhà tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều.

 

Tuy nằm gần trung tâm thị trấn nhưng 100% các hộ dân ở tổ dân phố Nguyễn 2 vẫn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Việc thiếu điện sinh hoạt cũng đồng nghĩa với việc không có nguồn điện để sản xuất… Bà Trần Thị Thấm bức xúc: Cứ đến mùa gặt là chúng tôi lại phải tranh thủ thuê máy tuốt lúa luôn ngoài  đồng rồi mới mang về. Để nâng cao thu nhập, gia đình tôi muốn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt thêm cũng khó bởi nguồn điện ở đây quá yếu, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

 

Được biết, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, lần nào đại diện tổ dân phố Nguyễn 2 cũng đưa vấn đề này ra để phản ánh với chính quyền địa phương, ngành chức năng mong có sự đầu tư, cải thiện lưới điện nơi đây, song sự mong mỏi ấy của bà con đến nay vẫn chưa được quan tâm, giải quyết. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho biết: Việc nâng cấp, tu sửa và làm mới hệ thống lưới điện trên địa bàn thị trấn, chính quyền địa phương không có thẩm quyền can thiệp. Có chăng, chúng tôi chỉ tham mưu, đề xuất lên ngành chức năng những nơi nào trong thị trấn thực sự cần thiết cải tạo hệ thống lưới điện cho bà con để ưu tiên làm trước. Đối với tổ dân phố Nguyễn 2, chúng tôi cũng đã có ý kiến với Công ty điện lực Phú Bình để đầu tư thêm trạm biến áp cho địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi gì.

 

Hiện nay, điều mong mỏi nhất của bà con tổ dân phố Nguyễn 2 là được đầu tư cải tạo lưới điện. Thiết nghĩ, đơn vị chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, chăm sóc khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là việc đầu tư cải tạo những đường dây đã xuống cấp, làm tổn hao điện năng, ảnh hưởng đến nguồn điện sinh hoạt của người dân.