Giải pháp cho tình trạng di cư trái phép

08:11, 27/05/2015

Thời gian qua trên địa bàn Nghệ An, ở những vùng đặc biệt khó khăn nơi biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, tình trạng đồng bào Mông di cư trái phép vẫn chưa giảm.

Nghệ An biên giới, trong đó Con Cuông, Tương Dương, Kỳ có 492 km đường Sơn và Quế Phong là bốn huyện có đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Bô-li-khăm-xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn nước CHDCND Lào.

Ở đa số các xã biên giới tiếp giáp nước bạn Lào như Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn, Nậm Cắn, Đọc Mạy, Huồi Tụ... (huyện Kỳ Sơn), Mai Sơn, Tam Hợp... (Tương Dương), Tri Lễ (Quế Phong)..., hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo điều tra từ các huyện, đồng bào di cư tự do sang Lào có nhiều nguyên nhân: quan hệ thân tộc; tập quán sản xuất; nơi ở cũ không bảo đảm về điều kiện sản xuất, sinh hoạt. Nguyên nhân khác là gần đây có thông tin nước bạn thành lập khu kinh tế sẽ được nhà nước hỗ trợ... Sự di cư tự do đã gây những xáo trộn, khó khăn cho việc quản lý hộ khẩu, kiểm soát tình hình an ninh trật tự biên giới.

Đặc biệt, có những người lợi dụng việc di cư này để trà trộn thực hiện âm mưu truyền đạo trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy...

Theo thống kê mới nhất, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 72 hộ, hơn 370 khẩu thuộc 10 xã của ba huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong di cư sang Lào.

Bản Huồi Mú từng là một trong những "điểm nóng" của tình trạng di cư trái phép của xã Huồi Tụ, huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn.

Xã Huồi Tụ cách trung tâm huyện khoảng 30 km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn... Bản Huồi Mú cách trung tâm xã khoảng 5 km, có 86 hộ, 444 nhân khẩu, chủ yếu luân canh nương rẫy nhưng sau nhiều năm canh tác đất đã bạc màu nên nguồn thu nhập chính của bà con là từ chăn nuôi bò, lợn. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, bên cạnh đó, một số kẻ xấu từ nơi khác đến tìm cách lôi kéo, xúi giục, thậm chí kích động bà con rời bỏ quê hương, khiến tình hình trật tự càng trở nên phức tạp. Trước thực trạng trên, Đảng ủy xã đã kịp thời nghiên cứu, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các giải pháp chống di cư trái phép và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thời gian gần đây. Năm 2012, cả xã có bảy hộ di cư sang Lào, thì năm 2013 giảm xuống còn ba hộ. Khoảng giữa năm 2014, Huồi Mú có ba hộ di cư trái phép sang Lào do kẻ xấu xúi giục. Đến cuối năm 2014, có thông tin khoảng 5 - 6 hộ có ý định bán tài sản, ngay lập tức đoàn công tác liên ngành của xã đã kịp thời đến tuyên truyền, vận động được các hộ từ bỏ ý định di cư sang Lào, yên tâm ở lại quê hương làm ăn, sinh sống. Chi bộ Đảng bản Huồi Mú đã rút ra bài học: Việc có nhiều hộ di cư sang Lào khiến tình hình an ninh trật tự bị xáo trộn. Nhưng khi huyện, xã kịp thời đưa ra giải pháp, tập trung tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được đúng sai, cái lý, cái tình thì bà con nghe theo Đảng, chính quyền và tránh xa kẻ xấu, việc sai...

Để tìm giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự do, trước tiên phải nắm rõ nguyên nhân. Tình trạng di cư ở Huồi Tụ trước hết xuất phát từ tập quán du canh, du cư của đồng bào Mông đã có từ bao đời. Cùng với đó là những nguyên nhân khác như nợ ngân hàng không có khả năng thanh toán; mâu thuẫn nội bộ gia đình, dòng họ; thiếu đất sản xuất, canh tác và bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Để công tác tuyên truyền, vận động đạt kết quả, đội ngũ cán bộ, đi đầu là các đồng chí đảng viên đã nắm bắt, tìm hiểu nguyên do của từng gia đình rồi đưa ra giải pháp thích hợp nhất. Cấp ủy, chính quyền đã thực hiện chủ trương đưa toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lực lượng công an, quân sự địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả. Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với công an tỉnh, công an huyện và thành lập đoàn công tác của xã về tận các bản làng để tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Cư trú.

Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để bà con phòng, tránh, không bị xúi giục, lôi kéo. Về lâu dài, phải nghiên cứu, nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, tiến tới từ bỏ hẳn ý định di cư.

Thời gian qua, lực lượng biên phòng đã tích cực tham gia chống di cư, đặc biệt là triển khai thực hiện Kế hoạch 149/KH-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về tuyên truyền phòng, chống di cư trái phép ở khu vực biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong thành lập các đoàn công tác xuống các xã, các bản trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân không di cư trái phép. Để hạn chế việc đồng bào di cư trái phép trên tuyến biên giới, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, giáo dục, thì đồng thời phải thực hiện tốt các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như Chương trình định canh - định cư; Chương trình 135, 134...

Các tư phải phù hợp với từng địa bàn để mang lại hiệu quả chương trình, dự án đầu thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Ngoài ra, phải thực hiện tốt hơn các biên bản thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào mà cụ thể là giữa Nghệ An với các tỉnh tiếp giáp của Lào để nơi dân di cư đến (các bản, huyện, tỉnh của Lào) kiên quyết không cho định cư, thu gom, trao trả về Việt Nam... Có như vậy mới hạn chế tình trạng di cư tự do trái phép, góp phần ổn định tình hình biên giới.