Là địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 14 triệu đồng/năm, nhưng xã Phú Đô là một điểm sáng về phát triển hạ tầng nông thôn của huyện Phú Lương. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công là do Nghị quyết đề ra của các cấp ủy Đảng luôn bám sát với tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân nên dễ dàng đi vào cuộc sống.
Giúp dân vay ngân hàng để đối ứng
“Đoạn đường từ Trụ sở xã xuống trung tâm xóm Phú Nam 7 khoảng 3km, trước đây, mỗi khi trời có mưa, chúng tôi phải đi mất gần 1 giờ, nay chỉ cần vài phút là tới nơi”. Nói đoạn, anh Lý Văn Dén, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Phú Đô đưa chúng tôi đến thực tế tại xóm Phú Nam 7 trên con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu xuyên qua những nương chè xanh mướt. Nhà Bí thư Chi bộ Phú Nam 7 Nguyễn Xuân Nghĩa nằm ngay cạnh đường bê tông. Nhớ lại thời chân xỏ ủng, đi bộ gần 1km ra cửa hàng để mua từng bao cám về chăn lợn, anh Nghĩa chia sẻ: Khi trời mưa, đường quá lầy thụt nên các loại xe cơ giới không thể ra vào xóm được, bà con phải đi bộ là chủ yếu. Lợn thịt đến lúc xuất chuồng mà gọi mãi cũng không có thương lái đến mua vì đường quá xấu, nếu bán được cũng phải chịu giá thấp hơn ngoài xã từ 4 đến 5 giá lẻ. Vì vậy, khi có thông tin sẽ làm đường bê tông, bà con trong xóm rất vui mừng.
Trước khi phổ biến rộng rãi đến người dân về chủ trương làm đường, Chi bộ xóm đã họp bàn và đề ra nghị quyết, sau đó tổ chức họp Chi bộ mở rộng với sự tham dự của đại diện các đoàn thể trong xóm. Sau khi đã đạt được sự thống nhất cao trong Chi bộ và Ban Công tác Mặt trận, xóm họp dân để phổ biến, công khai các nội dung và vận động các hộ ký cam kết nộp tiền đối ứng và hiến đất làm đường. Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, xóm thành lập Tổ tuyên truyền gồm những cán bộ chủ chốt, những người có uy tín trong cộng đồng tích cực vận động, phân tích, giải thích cho người dân. Trong khi thu tiền đối ứng, xóm đã linh động để các hộ khó khăn được nộp trong nhiều lần. Đặc biệt, một số cán bộ xóm đã tự nguyện mang “sổ đỏ” của gia đình thế chấp ngân hàng để giúp 40/76 hộ dân khó khăn của xóm vay tiền nộp đối ứng. Vì vậy, 2 năm qua, xóm Phú Nam 7 đã vận động người dân hiến được trên 4.000m2 đất, đóng góp 400 ngày công và đối ứng hàng trăm triệu đồng (trung bình khoảng 3 triệu đồng/khẩu) để bê tông 2/3km đường trục xóm và xây dựng nhiều công trình phúc lợi chung của xã.
Anh Nguyễn Hữu Khiến, một người dân trong xóm nói: Khi được cán bộ xóm, xã tuyên truyền, giải thích, tôi thấy rõ hơn ý nghĩa quan trọng và thiết thực của việc làm đường bê tông nên mặc dù cuộc sống còn khó khăn, gia đình tôi vẫn cố gắng đóng góp gần 13 triệu đồng. Có đường mới, chúng tôi đã đỡ vất vả hơn rất nhiều và có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.
Cùng xóm gỡ khó
Ngoài Phú Nam 7 thì các xóm khác như: Ao Cống, Phú Nam 2, 3, 6, 8… cũng là những xóm điển hình của xã Phú Đô trong huy động sức dân phát triển hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông. Tính toàn xã thì từ năm 2010 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương này đã vận động nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng, hiến 25.000m2 đất các loại để xây dựng gần 19km đường giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp 3 Nhà văn hóa xóm, 8 phòng học và một số công trình phúc lợi khác có tổng giá trị gần 25 tỷ đồng. Năm 2014, xã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phát triển hạ tầng nông thôn. Để đạt được kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Công Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Đô thì trước tiên, nghị quyết nhiệm kỳ, nghị quyết từng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, của các chi bộ xóm về phát triển hạ tầng nông thôn đã thể hiện sự phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, và đặc biệt là đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Để việc triển khai nghị quyết đạt kết quả tốt, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền xây dựng các đề án, kế hoạch có tính khả thi cao; quán triệt thực hiện công khai, dân chủ; chọn những xóm có khả năng, những công trình mang tính bức thiết để làm trước. Tại các cuộc họp xóm triển khai làm đường, Đảng ủy, UBND xã đều cử cán bộ xuống dự, nắm bắt tình hình và giải đáp thỏa đáng thắc mắc của người dân. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, thành viên UBND phụ trách khu vực, chi bộ xóm. Đơn cử như trong giai đoạn đầu triển khai làm đường bê tông, tại các xóm như Phú Nam 2, 6, 8, một số người dân có ý kiến thắc mắc, suy bì lẫn nhau trong việc hiến đất và đối ứng. Cán bộ xóm vì có tâm lý nể nang, ngại va chạm nên không giải quyết thấu đáo. Do bám sát cơ sở nên cán bộ phụ trách địa bàn đã sớm nắm thông tin, đề nghị Thường trực Đảng ủy xã đã cử các đoàn công tác xuống làm việc với từng xóm, trực tiếp đối thoại, vận động người dân; tăng cường cử cán bộ hỗ trợ tổ tuyên truyền của xóm đến từng nhà dân để giải thích, vận động. Kết quả là 100% hộ dân có thắc mắc đã đồng ý hiến đất và nộp đủ tiền đối ứng...
Đồng chí Trần Trung Tốn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đô cho rằng, những kết quả trong huy động sức dân để phát triển hạ tầng nông thôn là một thành tựu nổi bật của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ này. Đây cũng là những bài học thành công để Đảng bộ xã phát huy và thêm tự tin trong việc xây dựng Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, việc huy động nội lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng được chúng tôi xác định là một khâu đột phá.