Không để lọt hàng giả, hàng kém chất lượng

07:56, 30/05/2015

"Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, siết chặt kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cố gắng không để lọt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào các phiên chợ..."- ông Nguyễn Ngô Quyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" của tỉnh năm 2015 khẳng định điều đó khi trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.

 P.V: Ông có thể thông tin đến bạn đọc một vài nét chính xung quanh Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" của tỉnh năm nay?

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Chương trình là một trong những nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chương trình do Sở Công Thương phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương tổ chức bắt đầu từ 5 đến 19-6-2015 tại 4 xã miền núi là: Đồng Thịnh (Định Hóa), Tức Tranh (Phú Lương), Bình Long (Võ Nhai) và Tân Đức (Phú Bình). Đơn vị được giao chắp mối và tham mưu chính để tổ chức Chương trình là Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương). Tại mỗi địa phương, Ban tổ chức lựa chọn địa điểm phù hợp để bố trí từ 30 đến trên 40 gian hàng với các sản phẩm đa dạng phục vụ người dân địa phương. Các sản phẩm chính tham gia đều là hàng Việt Nam gồm: Hàng may mặc, đồ dùng học tập, đồ gia dụng, hàng điện - điện tử - viễn thông, lương thực, thực phẩm, máy móc thiết bị cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây, củ quả... Các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa chủ yếu là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị tham gia đều được hỗ trợ 100% chi phí dựng gian hàng, sử dụng điện, nước, vệ sinh công cộng, bảo vệ, trang trí tổng thể... và được hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển hàng hóa. Mỗi Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" diễn ra trong thời gian 3 ngày.

 

 P.V: Những năm trước đây chúng ta gọi là phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn", nhưng nay lại đổi thành Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi". Phải chăng có sự khác nhau về quy mô, hình thức thưa ông?

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Sự thay đổi đó bắt nguồn từ đề xuất của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Việc thay đổi không những để nâng cao vai trò, vị trí của hàng Việt Nam trong cộng đồng dân cư, giúp Chương trình bao hàm đầy đủ ý nghĩa hơn mà còn tránh nhầm lẫn với các hội chợ, phiên chợ thương mại khác. Mặt khác, đối tượng phục vụ chính trong Chương trình lần này là nhân dân các xã miền núi chứ không chung chung là vùng nông thôn như trước. Nội dung này rất phù hợp với một tỉnh còn nhiều xóm, xã miền núi, vùng cao đang gặp nhiều khó khăn như Thái Nguyên. Quy mô của Chương trình cũng lớn hơn mọi năm. Kế hoạch ban đầu là 30 gian hàng cho mỗi Chương trình, nhưng thực tế đăng ký đến nay đã lên tới trên 40 gian hàng.

 

 P.V: Vấn đề mà người dân quan tâm nhất khi tham gia mua sắm chính là chất lượng sản phẩm cung ứng. Vậy, công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa tại mỗi Chương trình được triển khai như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa khi tham gia Chương trình phải đăng ký trước với Ban tổ chức. Hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, được phép lưu thông trên thị trường và phải được niêm yết giá công khai. Giá bán tại các phiên chợ phải đảm bảo thấp hơn hoặc bằng giá bán thực tế ngoài thị trường. Tuyệt đối nghiêm cấm các đơn vị mang hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm lưu thông, quá niên hạn sử dụng hoặc chưa đăng ký với Ban tổ chức. Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường các địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa trước khi cung ứng, cố gắng không để lọt hàng giả, hàng kém chất lượng. Từng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm tham gia.

 

 P.V: Vậy, ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp khi có gian hàng tại Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" lần này?

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Năm nay có điểm đặc biệt là trên 40 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia số đông là doanh nghiệp uy tín của tỉnh. Họ tham gia chủ yếu với tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ cao. Những tính toán về thương mại và lợi nhuận dường như không phải là mục tiêu chính của các đơn vị. Theo chúng tôi được biết, không ít đơn vị tham gia các "phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn" mấy năm trước đều không có lãi, một số trường hợp còn chịu lỗ. Vậy nhưng, sau khi được chiêu thương các đơn vị vẫn tích cực hưởng ứng. Điển hình như Công ty Phát hành sách Thái Nguyên, Siêu thị Minh Cầu, các đơn vị cung ứng dụng cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp khác trên địa bàn...

 

 P.V: Những điểm mới trong công tác tổ chức Chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" năm nay là gì thưa ông?

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Chương trình năm nay chủ yếu tập trung chiêu thương các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp địa phương tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, hình ảnh và khẳng định chất lượng hàng hóa làm ra. Các gian hàng tham gia được lựa chọn kỹ lưỡng, giảm tối đa gian hàng cung ứng cùng một loại sản phẩm để tạo điều kiện đa dạng hàng hóa phục vụ nhân dân. Hàng hóa được tuyển lựa theo nhóm và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân miền núi, vùng cao. Siết chặt việc kinh doanh bán hàng cả ở bên ngoài khu vực tổ chức Chương trình, đồng thời loại bỏ tệ nạn cờ bạc, trò chơi trá hình cả trong và ngoài khu tổ chức Chương trình, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, lành mạnh hóa không gian mua sắm của đồng bào...