Kỳ I: Giải phóng mặt bằng vướng cả ở 3 phía

16:51, 26/05/2015

Công ty Than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc) đã và đang rơi vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ, người lao động thiếu việc làm, giảm sút thu nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ Dự án mở rộng bị ách tắc khiến việc khai thác than không thực hiện được như kế hoạch. Khó khăn trên không chỉ khiến đơn vị này thua lỗ khoảng 100 tỷ đồng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vì thiếu nguồn nguyên, nhiên liệu…

Nhận tiền đền bù nhưng không giao mặt bằng

 

Trước nhu cầu về nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (gồm: Xi măng Quan Triều, Xi măng La Hiên, Xi măng Tân Quang, Nhiệt điện Cao Ngạn), Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh và sản xuất của tỉnh, từ năm 2012, Công ty Than Khánh Hòa đã xin cấp có thẩm quyền mở rộng phạm vi hoạt động để nâng công suất khai thác lên 800 nghìn tấn than sạch/năm. Các thủ tục pháp lý theo quy định về mở rộng đầu tư, nâng công suất khai thác đã được Công ty triển khai và cơ bản đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép. Về nguồn lực, Công ty Than Khánh Hòa cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bổ sung thêm các loại phương tiện chuyên dụng hiện đại phục vụ khai thác. Song song với đó, Công ty triển khai thực hiện 4 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc địa bàn T.P Thái Nguyên và 2 huyện Phú Lương, Đại Từ. Trong đó, mặt bằng tại khu vực xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) và xã An Khánh (Đại Từ) phục vụ nhu cầu đổ thải; mặt bằng ở xã Sơn Cẩm (Phú Lương), phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) phục vụ nhu cầu mở rộng khai trường phía Bắc giai đoạn I và xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời.

 

Dự án mở rộng bãi thải phía Tây tại địa bàn 2 xóm Ngò và Cầu Sắt, xã An Khánh (Đại Từ) có vai trò đặc biệt quan trọng nên Công ty Than Khánh Hòa đầu tư 126 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù, thu hồi hơn 34,6 ha đất. Để đảm bảo các yếu tố về pháp lý theo quy định và công khai, dân chủ trong quá trình kiểm đếm, đền bù, thu hồi đất, từ cuối năm 2012, chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với Ban Bồi thường GPMB huyện Đại Từ (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện) thực hiện công tác chuyên môn. Do sự bức thiết của việc mở rộng bãi đổ thải phía Tây để phục vụ sản xuất và giúp người dân đỡ thiệt thòi, Công ty Than Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép áp dụng giá đền bù đất nông nghiệp của xã An Khánh bằng với giá đất nông nghiệp của xã Phúc Hà và chủ động hỗ trợ thêm 10.000 đồng/m2 đất nông nghiệp (mức bồi thường người dân được hưởng là 78,7 triệu đồng/sào đất nông nghiệp). Các hộ dân ở xã An Khánh nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định được gần 2 năm nhưng không chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai Dự án mà tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư phải trả thêm 30 triệu đồng/sào đất nông nghiệp (theo đơn giá quy định năm 2014).

 

Ông Vũ Đình Nên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc cho biết: Chúng tôi là doanh nghiệp Nhà nước nên không có chuyện thoả thuận chi trả tiền đền bù các khoản ngoài quy định của Nhà nước. Còn theo ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh: Việc UBND huyện Đại Từ và chủ đầu tư Dự án tạm ứng, hỗ trợ với mức 78,7 triệu đồng/sào đất nông nghiệp cho người dân xã An Khánh vào thời điểm UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường là đúng pháp luật, vì lợi ích của người dân. Việc đại diện một số hộ trong diện phải thu hồi đòi trả thêm 30 triệu đồng/sào đất nông nghiệp là không có cơ sở giải quyết vì giá đất năm 2014 khác với giá đất thời điểm phê duyệt phương án bồi thường mà UBND tỉnh đã duyệt. Vẫn theo ông Lê Kim Phúc: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tác GPMB Dự án bãi đổ thải phía Tây và các dự án khác của Công ty Than Khánh Hòa, chủ đầu tư phải có đủ nguồn lực tài chính và phối hợp chặt chẽ với chính quyền T.P Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Phú Lương để rà soát, kiểm điểm quá trình thực hiện thu hồi đất của Dự án. Về những vấn đề còn tồn tại, nội dung chưa hoàn thiện trước đây cần được chỉ rõ để các địa phương, chủ đầu tư Dự án rút kinh nghiệm và cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc thì công tác GPMB mới có kết quả, đạt mục tiêu đề ra.

 

Đòi đền bù cả diện tích đất công

 

Thêm một vấn đề nữa là Công ty Than Khánh Hòa đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dân sinh mới (cứng hoá và có hệ thống điện chiếu sáng) thay thế tuyến đường liên xã An Khánh - Phúc Hà đi qua giữa khu vực bãi đổ thải phía Tây. Tuy nhiên, người dân xã An Khánh không chấp nhận đi qua tuyến đường mới với lý do xa hơn tuyến đường cũ khoảng 700m. Đồng thời, một số người dân đã hiến đất để xã An Khánh làm tuyến đường dân sinh cũ đòi Công ty Than Khánh Hòa bây giờ phải đền bù phần diện tích này (diện tích trên nằm trong 2,8ha đất công mà UBND tỉnh đã giao cho Công ty Than Khánh Hòa theo Quyết định số 2824/QĐ-UBND ngày 15-12-2014 của UBND tỉnh). Đường mới không có ai đi lại nên hệ thống điện chiếu sáng đã được Công ty Than Khánh Hòa đầu tư bị kẻ gian phá, trộm cắp, đường cũ thì người dân vẫn đi lại hàng ngày trong sự nguy hiểm bởi những khối đá lớn từ các điểm đổ thải có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Ngôi chùa xóm Ngò (diện tích 5,34ha) cũng nằm trong hành lang đổ thải nhưng chưa thể di dời vì nhân dân trong khu vực không đồng tình và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng chưa có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư Dự án thực hiện quy trình di dời theo quy định. Mặc dù khi Công ty Than Khánh Hòa thực hiện thủ tục theo quy định, khu vực chùa xóm Ngò nằm trong ranh giới mà UBND tỉnh cho phép để đưa vào nghiên cứu lập Dự án khai thác 800 nghìn tấn than sạch/năm.

(Còn  nữa)