Kỳ II: Bãi thải phía Nam đã bớt nóng

09:57, 27/05/2015

Mở rộng bãi đổ thải phía Nam (thuộc Dự án giải phóng mặt bằng phục vụ đổ thải giai đoạn II), Công ty Than Khánh Hòa xin thu hồi 27,2ha đất tại xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) với tổng số 224 hộ dân bị ảnh hưởng và nhiều cơ quan hành chính của xã Phúc Hà phải di dời vì nguy cơ sạt lở bãi thải.

Tập trung đầu tư xây dựng khu tái định cư

 

Triển khai Dự án này, Công ty Than Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng Khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà với số tiền hàng trăm tỷ đồng (gồm trụ sở mới cho khối các cơ quan xã Phúc Hà, 3 trường học, 1 trạm y tế, 1 HTX và khu tái định cư với tổng số 200 lô đất dành cho các hộ trong diện phải di dời khỏi những khu vực nguy hiểm của bãi thải). Đến hết quý I/2015, chủ đầu tư đã bàn giao trụ sở công trình cho các cơ quan hành chính xã Phúc Hà và 3 trường học đi vào hoạt động ổn định, giao đất tái định cư cho 64 hộ trong diện phải di dời có nhu cầu xin đất tái định cư (hộ dân cuối cùng trong hành lang nguy hiểm cũng đã nhận đất tái định cư và cam kết di dời trước mùa mưa năm nay). Riêng Trạm Y tế xã Phúc Hà chưa nhận công trình nhà trạm mới với lý do chủ đầu tư chưa xây dựng xong vườn thuốc đông y theo quy định. Cùng với đó, tuyến đường dân sinh chạy quanh bãi thải phía Nam đã được Công ty Than Khánh Hòa lập dự án đầu tư 5 tỷ đồng để cải dịch, đổ bê tông nhằm phòng ngừa sạt lở...

 

Mặc dù vậy,  theo kế hoạch, trong năm 2014, chủ đầu tư xin thu hồi 21,8ha (trong đó có 8,6ha đất lúa) nhưng theo các quyết định phê duyệt thu hồi đất của cấp có thẩm quyền thì chỉ có 0,86ha đất lúa nên với trên 7ha đất lúa còn lại không thể triển khai đền bù, thu hồi được. Từ tình trạng chậm thu hồi đất lúa dẫn đến việc đền bù, thu hồi toàn bộ quỹ đất phục vụ Dự án mở rộng bãi đổ thải phía Nam của Công ty Than Khánh Hòa vẫn “đóng băng” từ năm 2014 đến nay… Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Những vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực bãi đổ thải phía Nam không còn nóng như những năm trước. Nhưng hiện nay, một bộ phận người dân địa phương vẫn tiếp tục yêu cầu Công ty Than Khánh Hòa giải quyết một số vấn đề, như: Ô nhiễm môi trường, ngập úng đất sản xuất, hoàn thiện hạ tầng Khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà, nhất là tuyến đường vào các cơ sở giáo dục. Về phía cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với Công ty để tuyên truyền, vận động nhân dân tôn trọng pháp luật, ủng hộ Dự án và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

 

Hiện nay, Công ty Than Khánh Hòa vẫn “túc tắc” hoạt động do một số điểm nhỏ ở bãi đổ thải phía Nam còn khả năng tiếp nhận đất đá. Song, nếu vài tháng nữa tuyến đường dân sinh chạy quanh bãi thải phía Nam không được cải dịch, làm mới, việc đổ thải của Công ty có thể phải hạn chế hoặc dừng hẳn vì cực kỳ nguy hiểm đối với người dân khi đi lại qua tuyến đường này.

 

Mọc lên nhiều công trình đón đền bù ở khai trường phía Bắc

 

Ngoài việc mở rộng các khu vực đổ thải, để nâng công suất khai thác, Công ty Than Khánh Hòa buộc phải thực hiện một số hạng mục công trình thuộc Dự án mở rộng khai trường phía Bắc giai đoạn I (diện tích thu hồi đất tại xã Sơn Cẩm là 13,7ha, phường Tân Long là 11,1ha, với tổng số tiền đền bù GPMB là 190,5 tỷ đồng). Trong đó có một số hạng mục quan trọng, như: Dịch chuyển dòng suối Tân Long chảy gần khu vực khai trường; cải dịch tuyến đường vận chuyển nội bộ để mở rộng khai trường; xây dựng khu tái định cư Tân Long… Để có mặt bằng mở rộng khai trường phía Bắc, Công ty Than Khánh Hòa đã thống kê, kiểm đếm, lập phương án đền bù, thu hồi đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xây dựng khu tái định cư theo quy định (chủ đầu tư tự thực hiện công tác GPMB theo quy định của pháp luật). Trước khi công bố Dự án mở rộng khai trường phía Bắc, Công ty đã cho cán bộ chuyên môn ghi hình lại toàn bộ hiện trạng đất, tài sản trên đất của các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án để làm căn cứ khi kiểm đếm. Tuy nhiên, từ sau khi công bố Dự án, tình trạng một số người dân ở xóm Cao Sơn 4, xã Sơn Cẩm cơi nới, xây dựng trái phép công trình trên đất ở, đất nông nghiệp, “gia cố” tường rào, bờ ao, dựng cột bê tông trên bờ ruộng, trong vườn để chờ đón đền bù xảy ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm thông tin: Tình trạng người dân xây dựng công trình sau khi công bố Dự án là có thực, chính quyền xã đã phối hợp với chủ đầu tư có nhiều biện pháp ngăn chặn và cơ bản người dân chấp hành. Hiện chỉ còn một số ít hộ bất hợp tác với lực lượng chức năng, có lời nói xúc phạm đối với cán bộ xã, cán bộ làm công tác GPMB của chủ đầu tư khi đi kiểm tra, lập biên bản tình trạng xây dựng công trình không phép, xây trên đất nông nghiệp. Do vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo cụ thể, thường xuyên hơn nữa để địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư giải quyết dứt điểm vấn đề này.

 

Do chủ đầu tư và chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nên phần lớn trong tổng số 124 hộ dân bị ảnh hưởng ở xã Sơn Cẩm và 64 hộ ở phường Tân Long đã đồng thuận, ủng hộ Dự án hoặc nhận tiền đền bù, hỗ trợ, tháo dỡ công trình, di dời đến khu tái định cư (hoặc chủ động tìm nơi tái định) để bàn giao mặt bằng cho Công ty Than Khánh Hòa. Song, hiện còn 5 hộ dân ở xóm Cao Sơn 4 và 1 hộ ở phường Tân Long cương quyết không chịu nhận tiền đền bù với lý do giá đền bù được UBND tỉnh phê duyệt còn thấp, yêu cầu Công ty Than Khánh Hòa phải thoả thuận. Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa cho biết: Có hộ được nhận tiền đền bù tài sản, hỗ trợ lên đến 5 tỷ đồng nhưng mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tổ chức chi mà trả vẫn không chịu đến nhận, yêu cầu tăng số tiền đền bù lên 7 tỷ đồng… Những hộ dân trong diện di dời ở xóm Cao Sơn 4 chưa chịu nhận tiền đền bù để di dời lại là những hộ nằm phụ cận với hành lang an toàn nên mỗi khi Công ty Than Khánh Hòa nổ mìn thì họ đều tập trung ngăn cản khiến lực lượng đảm bảo an ninh trật tự của Công an tỉnh phải nhiều lần phải can thiệp. Sự nhùng nhằng của số ít hộ dân nói trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của Công ty Than Khánh Hòa…

(Còn nữa)