Kỳ III: Nỗi niềm những người trong cuộc

09:02, 28/05/2015

Hiện nay, trên 900 cán bộ, công nhân và người lao động thuộc biên chế của Công ty Than Khánh Hòa đang phải vật lộn với cuộc sống bởi đồng lương quá thấp (công nhân thu nhập từ 1,8 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng; Ban Giám đốc lương không quá 4 triệu đồng/người/tháng) và nhiều bộ phận phải nghỉ làm luân phiên.

Khổ nhất là người lao động

 

 Để giải quyết tình thế, trong năm 2014 và quý I/2015, Công ty đã 2 lần chuyển tổng số 70 cán bộ, công nhân và gần 20 phương tiện chuyên dụng cho các đơn vị khai thác than tại Quảng Ninh thuê lại. Khi chúng tôi hỏi chuyện một số công nhân đang làm việc tại Công ty Than Khánh Hòa thì đều được nghe những lời tâm sự về sự khó khăn trong cuộc sống hiện tại và nỗi lo mất việc trong tương lai. Một nam công nhân đang lái ô tô tải trong moong khai thác than của Công ty (xin không nêu tên) cho biết: Vợ tôi vừa sinh con, lại chưa có việc làm, trong khi thu nhập của tôi mỗi tháng chỉ  được trên 2 triệu đồng. Số tiền này phải chia nhỏ để lo sinh hoạt hàng ngày nên thực sự túng bấn… Có gia đình công nhân đang làm việc tại Công ty Than Khánh Hòa phải mua gạo chịu đến cuối tháng lĩnh lương mới trả được. Ông Trịnh Hồng Ngân, Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa thông tin: Trong quý I/2015, khối lượng bóc tách đất đá của Công ty chỉ đạt 18%, sản xuất than chỉ đạt 23% kế hoạch nên thu nhập của người lao động chỉ đạt 60% kế hoạch đề ra nên Công ty không chỉ gặp khó khăn về nguồn than cung cấp cho các đối tác mà nội tại doanh nghiệp cũng không phát triển được. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đang rất nỗ lực để duy trì hoạt động của bộ máy và mong tập thể cán bộ, công nhân đoàn kết, chia sẻ khó khăn.

 

Công ty Than Khánh Hòa cũng đã đưa ra một số giải pháp như những người đủ tuổi nghỉ chế độ hoặc người có nhu cầu chuyển công tác đều được xem xét giải quyết để cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy và tận dụng tất cả những điều kiện có thể để duy trì sản xuất. Ông Vũ Đình Nên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc cho biết: Việc điều chuyển nhân lực, phương tiện của Công ty Than Khánh Hòa đi làm thuê cho đơn vị khác là điều cực chẳng đã. Nhưng khi chúng tôi đã đầu tư vài trăm tỷ đồng để trang bị phương tiện chuyên dụng; chi trả tiền đền bù GPMP mà không sản xuất, kinh doanh được như kế hoạch đề ra thì tiền đâu để trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nếu tình trạng một bộ phận người dân trong vùng Dự án vẫn bất hợp tác, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở địa phương không quyết liệt để cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đền bù, thu hồi đất theo các quyết định liên quan của UBND tỉnh Thái Nguyên thì Công ty Than Khánh Hòa sẽ ngày một khó khăn hơn. Kéo dài mãi tình trạng này, chúng tôi buộc phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất của Công ty để hạn chế thua lỗ, bảo toàn vốn.

 

Đến nay, Công ty Than Khánh Hòa đã thua lỗ hơn 100 tỷ đồng và thuộc diện đơn vị sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả nhất so với các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc. Áp lực việc làm, thu nhập cho người lao động và tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh đang đè nặng lên Ban lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc và Công ty Than Khánh Hòa…

 

Nhìn từ phía người dân trong vùng Dự án

 

Những hành vi đã và đang xảy ra trong quá trình triển khai Dự án mở rộng đầu tư của Công ty Than Khánh Hòa, như: Một số cá nhân tấn công cán bộ khi thực hiện các quy trình đền bù GPMB, thu hồi đất; xây dựng công trình không phép, công trình trên đất nông nghiệp để chờ đón đền bù; đòi nâng giá đền bù không có cơ sở pháp lý; kích động, lôi kéo nhân dân không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước… là rất đáng lên án và cần có biện pháp xử lý nghiêm minh. Song, khi nhìn nhận, đánh giá một cách đa chiều, khách quan mới thấy một bộ phận người dân trong vùng Dự án khi bị thu hồi đất, tài sản trên đất cũng thiệt thòi, nhất là đối với những hộ bị thu hồi phần lớn đất sản xuất. Bởi họ mất tư liệu sản xuất trong khi nghề phụ không có, tuổi đời và trình độ không phù hợp để kiếm việc làm tại các khu, cụm công nghiệp; việc thay đổi nơi ở ít nhiều làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt. Đặc biệt, sau 65 năm hoạt động khai khoáng, Công ty Than Khánh Hòa đã gây ô nhiễm môi trường; tụt nguồn nước ngầm dẫn đến mất nước sinh hoạt, giảm sản lượng sản phẩm nông nghiệp ở một số vùng phụ cận. Từ đó mới thấy người dân quanh khu vực khai thác than của Công ty Than Khánh Hòa đã và đang phải chịu đựng, hy sinh vì sự phát triển chung. Nhìn nhận thấu đáo góc độ này, chúng ta mới chia sẻ được nỗi lo của từng người dân.

 

Nhưng không có nghĩa từ sự chịu đựng, hy sinh đó mà một bộ phận nhỏ người dân (trong tổng số trên 600 hộ dân của 3 địa phương có đất, tài sản trên đất nằm trong vùng Dự án mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Than Khánh Hòa cần phải thu hồi) luôn gây khó khăn, cản trở trong công tác đền bù, thu hồi đất. Hành vi hành hung cán bộ, có những lời nói xúc phạm, đòi hỏi phi lý của một số ít người dân nằm trong vùng Dự án. Lẽ ra đối với những điều chưa hiểu hoặc khi nhận thấy có những quyền lợi chính đáng chưa được giải quyết thoả đáng, người dân cần trao đổi thẳng thắn thông qua đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư, cơ quan chức năng thực hiện quy trình thu hồi đất và cấp uỷ, chính quyền địa phương để tìm ra giải pháp thích hợp, thấu tình đạt lý, sự thống nhất trong quá trình giải quyết. Đối với cấp uỷ, chính quyền 3 địa phương nói trên và chủ đầu tư Dự án khi đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý, giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của phần lớn người dân trong vùng Dự án và theo quy định của pháp luật mà vẫn còn trường hợp cá nhân chống đối, đi ngược với lợi ích chung thì nên có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tình trạng trây ỳ, thách thức cơ quan chức năng như số ít hộ dân ở xóm Ngò, xóm Cầu Sắt, xóm Cao Sơn 4 hiện nay.

 

Cởi mở, hợp tác để cùng có lợi

 

Ngoài việc triển khai nghiêm túc các chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật khi thu hồi đất, Công ty Than Khánh Hòa cũng đã chấp thuận việc tìm địa điểm xây dựng nghĩa trang để quy tập các phần mộ nằm gần khu vực bãi đổ thải; di chuyển ngôi chùa xóm Ngò đến vị trí đẹp hơn, xây dựng quy mô hơn; tính toán để đền bù, hỗ trợ sản lượng sản phẩm nông nghiệp cho người dân vùng phụ cận khi đất sản xuất bị ngập úng, khô hạn (nguyên nhân do hoạt động khai khoáng); sẵn sàng chi trả bồi thường đối với trường hợp kiểm đếm thiếu tài sản… Như vậy có thể thấy ý thức, tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị của chủ đầu tư. Về phía cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ và huyện Phú Lương cũng đã thể hiện quyết tâm trong việc phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết thoả đáng, dứt điểm những vấn đề còn tồn tại trong công tác đền bù, thu hồi đất thuộc Dự án của Công ty Than Khánh Hòa trong năm 2015. Đơn cử mới đây, UBND huyện Đại Từ đã yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện hoàn thiện hồ sơ bồi thường GPMB Dự án mở rộng bãi thải phía Tây theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các phòng chức năng hoàn thành phương án sửa chữa, khắc phục đường nước sinh hoạt cấp cho người dân xóm Đồng Bục và xóm Ngò (Công ty Than Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng trước đó), chuẩn bị dừng hoạt động của đường dân sinh trong khu vực Dự án bãi thải phía Tây sau khi có biên bản bàn giao mốc giới bồi thường GPMB của Dự án. Về phía chính quyền xã An Khánh cũng thành lập tổ công tác để tuyên truyền, vận động bà con trong vùng Dự án nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về bồi thường GPMB, phối hợp với Công ty Than Khánh Hòa giải quyết dứt điểm dự án nắn suối Nam Tiền, đường tránh cải dịch, xác định vị trí, quỹ đất để xây dựng nghĩa trang xóm Ngò.

 

Ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban bồi thường GPMB huyện Đại Từ cho rằng việc nhận tiền đền bù nhưng không bàn giao mặt bằng của một số hộ dân ở xóm Ngò, xã An Khánh là không có căn cứ để giải quyết nên cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật về GPMB, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chính sách. Phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) cũng đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư Dự án để sớm hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư theo quy định; UBND xã Phúc Hà tiến hành họp dân để giải quyết những vấn đề còn lại để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công tuyến đường tránh trong thời gian sớm nhất. Về phía Công ty Than Khánh Hòa cũng đã có kế hoạch về tài chính để kịp thời chi trả tiền đền bù cho các tổ chức, cá nhân liên quan khi hoàn thiện hồ sơ pháp lý và cam kết khi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ có nhiều điều kiện để thúc đẩy việc hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương nói trên phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

 

Về phía đại diện một số người dân bị thu hồi đất và chính quyền 3 địa phương nêu trên đều cho rằng: Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Than Khánh Hòa ổn định, lâu dài, Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nên cho phép các tổ hợp tác, đội sản xuất, HTX, doanh nghiệp ở các địa phương phụ cận khu vực mỏ sử dụng lượng đất đá thải với khối lượng vài trăm triệu mét khối (trừ khu vực nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của Công ty Xi măng Quan Triều) để sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Như vậy sẽ giảm áp lực về mặt bằng đổ thải, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án mở rộng của Công ty Than Khánh Hòa.