Nguy hại từ lạm dụng thuốc trừ cỏ

17:38, 04/05/2015

Sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình trồng và chăm sóc cây ngô để giảm sức lao động đang ngày càng phổ biến ở một số địa phương của huyện Võ Nhai.

Tuy nhiên, việc quá lạm dụng loại thuốc này có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân…

 

 Võ Nhai hiện có gần 3.000ha ngô và tập trung chủ yếu tại một số xã như: Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao, Bình Long… Khoảng 6 năm trở lại đây, tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ trở nên phổ biến ở những vùng chuyên canh ngô. Quan tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân sử dụng thuốc trừ cỏ trước khi trồng và trong quá trình chăm sóc ngô… Bà Phan Thị Điền, xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá cho biết: Nếu phun thuốc trừ cỏ sẽ giảm được khoảng 15 ngày công lao động làm cỏ cho mỗi ha ngô. Gia đình tôi trồng gần 2ha ngô mà chỉ có 2 lao động nên thường xuyên sử dụng thuốc trừ cỏ. Mỗi vụ ngô, chúng tôi phải phun từ 2, 3 lần (trước khi làm đất phun loại thuốc trừ cháy nhanh để dễ dàng xử lý thực bì, khi ngô cao khoảng 40cm thì phun lần 2, nếu cỏ còn sót lại sẽ tiếp tục phun lần 3). Như vậy, trên một diện tích đất trồng ngô (mỗi năm 2 vụ), người dân phun từ 4 đến 6 lần và thường sử dụng nồng độ cao hơn so với hướng dẫn. Các loại thuốc trừ cỏ bà con hay sử dụng là Pesle và Mizin 80WP…

 

Chúng tôi có mặt tại khu Đồng Ươm, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến và được người dân thông tin, 100% các hộ trồng ngô ở đây sử dụng thuốc trừ cỏ và phun ít nhất 3 lần/vụ. Cả một vùng đồi núi bạt ngàn màu xanh của ngô còn bên dưới cỏ đã chết khô do phun thuốc trừ cỏ, vỏ bao bì vứt ngổn ngang khắp nơi và cả những khu vực gần nguồn nước. Đặc biệt, người dân không sử dụng trang phục bảo hộ trong quá trình phun thuốc. Theo ông Lê Quang Tươi, Trưởng xóm Tân Tiến: Người dân trong xóm chủ yếu là trồng ngô để phát triển kinh tế. Hơn một trăm hộ dân ở xóm Tân Tiến làm nhà dưới thung lũng nên việc phun quá nhiều thuốc trừ cỏ có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Không biết có phải nguyên nhân từ việc lạm dụng thuốc trừ cỏ hay không nhưng chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, xóm đã có 5 trường hợp tử vong do mắc bệnh ung thư. Trong khi đó, người dân trong xóm lại chủ yếu dùng nước sinh hoạt từ nguồn nước tự chảy dưới chân núi và nước giếng khoan…

 

 Đối với xã Dân Tiến, diện tích trông ngô mỗi năm đạt gần 700ha và chủ yếu được trồng trên đồi, núi cao. Trong khi đó, người dân thì sinh sống ở dưới thấp, sử dụng nước giếng khoan hoặc nguồn nước tự chảy ở khe suối ngay gần khu vực trồng ngô. Bà Hầu Vân Vàng, xóm Tân Tiến cho biết: Vì không thể khoan được giếng nên gia đình lấy nước từ khe suối ở dưới chân núi để sinh hoạt. Còn nguồn nước có bị ô nhiễm không thì chúng tôi không biết…

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lương Huy Bắc, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Dù chưa kiểm tra nguồn nước nhưng việc sử dụng thuốc trừ cỏ như vậy thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước là rất lớn. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, đồng thời sẽ hỗ trợ mỗi xóm 1 triệu đồng để xây dựng các bể chứa bao bì nhưng chưa xóm nào thực hiện được…

 

 Việc sử dụng thuốc trừ cỏ để mở rộng diện tích, giảm sức lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng ngô nói riêng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người nông dân ở Võ Nhai. Nhưng, tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ như trên rất có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trong khu vực. Theo ý kiến nhiều cán bộ trong ngành quản lý thuốc bảo về thực vật: Phần lớn các loại thuốc trừ cỏ đều có độc tính cao, nên khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng, đúng quy trình; đặc biệt, phải bỏ bao bì vào bể chứa để thiêu hủy; khi phun phải trang bị các dụng cụ bảo hộ để hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng cho người sử dụng…