Nhiều ẩn họa khó lường

17:13, 20/05/2015

Hiện nay, tại các cổng trường học trên địa bàn T.P Thái Nguyên (chủ yếu là trường tiểu học và trung học cơ sở) “mọc” lên rất nhiều hàng, quán với đủ các món ăn vặt giá rẻ dành cho học sinh.

Nhưng những món ăn vặt này có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm? Đây đang là nỗi lo lắng không chỉ của các nhà trường mà còn là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

 

Tại các cổng trường học ở một số phường trung tâm của Thành phố, như: Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học Đội Cấn; THCS Nha Trang, Trưng Vương, 915 Gia Sàng... chúng tôi thấy những hàng quà vặt được bày bán nhan nhản. Cổng trường nào hầu như cũng có từ 5 đến 7 quán cố định và một số hàng “di động”, hễ thấy các ngành chức năng đến kiểm tra là có thể chạy bất cứ lúc nào. Qua tìm hiểu của chúng tôi tại các cửa hàng quà vặt trên thì đa số những thứ đồ ăn, như: Thịt hổ, mỳ ý, xiên giòn, bim bim tăng lực, gậy ma thuật, sữa chua bò húc... mà học sinh rất thích ăn đều có tem mác ghi bằng chữ Trung Quốc. Lật xem kĩ một số món hàng, chúng tôi thấy trên bao bì đều không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như ngày sản xuất và hạn sử dụng. Với màu sắc bắt mắt, trang trí đẹp, ăn vừa ngon lại rẻ nên những món quà vặt này được các em học sinh rất thích ăn. Em Hứa Thùy Linh, học sinh lớp 4E, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân hồ hởi nói với chúng tôi: “Em thích ăn nhất là món mỳ ý và bim bim tăng lực vì nó rất ngon”. Còn em Vi Thành Nam, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nha Trang cho biết: “Em rất thích ăn sữa chua tăng lực vì nó ngon và mát”.

 

Không chỉ có các món thịt hổ, mỳ ý... được các em học sinh thích ăn mà các gánh hàng nem chua, xúc xích rán, xiên chiên... cũng được học sinh xúm vào mua rất đông. Giá của những đồ ăn này khá rẻ, chỉ từ 2 đến 6 nghìn đồng/xiên. Theo quan sát của chúng tôi, dầu mỡ dùng để chiên được đựng trong những chiếc chai không có nhãn mác, tên nhà sản xuất rõ ràng. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh phần vì chiều con, phần vì vội đi làm nên vẫn mua cho con những thứ đồ ăn trên. Chị Phạm Thanh Hà, phường Thịnh Đán chia sẻ: “Vẫn biết là những đồ ăn vặt trước cổng trường không đảm bảo vệ sinh và chất lượng nhưng thấy con đi học về kêu đói, thích ăn thứ này thứ kia nên tôi vẫn mua cho cháu ăn”.

 

Trò chuyện với chị V.H.M, một người bán hàng quà vặt trước cổng trường đã trên 10 năm, chúng tôi được biết vốn bỏ ra để mở một cửa hàng quà vặt không hết là bao, bởi những đồ ăn vặt đều có giá rất rẻ, chỉ từ vài trăm đồng đến 3.000 đồng/sản phẩm. Khi được hỏi về nguồn hàng lấy từ đâu, chị úp mở, tỏ ý không muốn tiết lộ. Chính chị cũng khẳng định, không rõ nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng trên, chỉ biết lấy về bán để kiếm lời.

 

Cô Cao Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết: Nhà trường có 1.400 học sinh, nhưng tình trạng ăn quà vặt chủ yếu là ở các em học sinh khối 4 và 5. Đã rất nhiều lần Nhà trường nhắc nhở, yêu cầu những người bán hàng quà vặt di chuyển khỏi vị trí cổng trường, phối hợp với Đội Quản lý đô thị phường dẹp bỏ tình trạng trên nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Còn đối với học sinh và phụ huynh, Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của đồ ăn vặt trong các giờ học và buổi họp phụ huynh nhằm hạn chế việc ăn quà vặt của học sinh. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh quá nuông chiều con em mình, sợ con đói nên vẫn cho con tiền ăn quà vặt.

 

Trao đổi với chúng tôi về những tác hại của đồ ăn vặt nơi cổng trường, thạc sĩ Vương Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thẳng thắn chia sẻ: Những đồ ăn vặt được bày bán trước cổng trường như mực khô, thịt bò khô... mà học sinh rất thích ăn được tẩm các loại hóa chất gây nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu. Còn những đồ chiên, rán thường dùng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần gây biến chất thành các axit béo nguy hại. Với những cháu có cân nặng cao, đây chính là nguy cơ mắc bệnh béo phì. Nếu ăn nhiều trong thời gian dài, các chất độc tích tụ lại có thể gây ung thư... Vì vậy, để tránh tạo thói quen xấu cho con trẻ, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị bữa sáng cho con ăn tại nhà, không nên ăn những đồ ăn nhanh và đặc biệt là không cho con tiền khi đến lớp nếu không có mục đích rõ ràng.