Nhiều nỗi lo trong mùa mưa bão

15:36, 26/05/2015

Là một trong những huyện thường phải chịu nhiều ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã quan tâm thực hiện các phương án ứng phó với thiên tai.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác chuẩn bị tại cơ sở còn nhiều khó khăn và tâm lý người dân vẫn khá chủ quan. Mặc dù đã nhiều lần được chính quyền địa phương động viên, đề nghị cấp cho 100m2 đất để xây nhà mới nhưng gia đình bà Đặng Thị Sìn ở xóm Đồng Tiến, xã Tân Thái (Đại Từ), hộ dân sống dưới chân núi Vuốt có nguy cơ sạt lở cao, vẫn không chịu di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Được biết khu đất gia đình bà Sìn đang ở có nguy cơ sạt lở từ tháng 8 năm 2013, khi đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tiền, nhân lực để gia đình bà di chuyển đến nơi an toàn, đồng thời phong toả khu vực này. Tuy nhiên, sau mùa mưa bão năm 2013, gia đình bà Sìn lại quay về ở tại ngôi nhà cũ. Bà Đặng Thị Sìn cho biết: UBND xã Tân Thái nói sẽ cấp cho gia đình tôi mảnh đất 100m2 ở xóm Tân Lập, giáp hồ Công Đoàn nhưng với điều kiện cắt “bìa đỏ” khu đất gia đình đang ở. Gia đình tôi nghèo, lấy đâu tiền xây nhà mới, trong khi đó, ngôi nhà gia đình tôi đang sống này giáp đường tỉnh 270, giá đất cao, vị trí đi lại thuận tiện, chúng tôi không bỏ được.

 

Không chỉ có bà Sìn mà trên địa bàn huyện Đại Từ có hàng trăm hộ dân có lý lẽ tương tự. Mặc dù biết ở lại là nguy hiểm nhưng các hộ dân vẫn không muốn di chuyển hoặc không đủ kinh phí xử lý khu đất có nguy cơ sạt lở. Như gia đình chị Đặng Thị Tuyên ở xóm Đá Thần, xã An Khánh dù có con nhỏ, nhà nằm n gay dưới ta-luy đất cao gần 20m, đã bị sạt lở lấp công trình phụ vào mùa mưa bão năm 2014 nhưng khi được hỏi, chị chỉ thở dài nói: Ngôi nhà này hai vợ chồng tôi mới xây được gần 3 năm. Vợ chồng nghèo, xây nhà xong còn nợ tiền chưa trả hết, thế nên biết là nguy hiểm cũng chẳng thể chuyển đi đâu được. Mỗi lần mưa to là cả nhà lại nơm nớp lo lắng.

 

Bên cạnh sạt lở đất, tâm lý chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét của nhân dân vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Huyện Đại Từ có một số xã như Văn Yên, Mỹ Yên, Ký Phú… nằm ở chân núi Tam Đảo, mỗi lần mưa lớn, nước dồn từ trên núi xuống gây lũ ống, lũ quét trên các con suối. Thực tế, những năm qua, huyện Đại Từ đều có người chết do lũ cuốn khi qua cầu tràn và có năm, lũ ống đã cuốn theo đất đá vùi lấp cả khu đồng rộng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân vẫn có tâm lý chủ quan trước những diễn biến thất thường của thiên tai. Ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã Văn Yên cho biết: Để bảo vệ tài sản, tính mạng cho các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, cơ quan chức năng đã xây dựng khu tái định cư cho 81 hộ dân xóm Dưới 1. Đồng thời, hỗ trợ tiền để người dân di chuyển ra nơi ở mới từ năm 2013, nhưng đến nay mới chỉ có 15 hộ dân chuyển đến ở tại khu tái định cư mặc cho chúng tôi tích cực tuyên truyền vận động. Còn bà Lê Thị Lý, ở xóm Chùa 9, xã Bình Thuận, sống gần cầu tràn Bình Thuận thì nói: Năm 2013 đã có người bị lũ cuốn trôi khi qua cây cầu này nhưng đến nay, vẫn có người liều mạng băng qua cầu khi nước lớn dù người dân đã cảnh báo, ngăn cản.

 

Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ. Trong công tác chuẩn bị, diễn tập phòng chống thiên tai theo phương án 4 tại chỗ, những người dân này không tham gia, coi đó không phải việc của mình. Còn khi có thiên tai xảy ra thì không chủ động phối hợp ứng phó mà chờ đợi hỗ trợ từ bên ngoài, thậm chí có người yêu cầu được hỗ trợ tiền mới di dời khỏi ngôi nhà của mình dù biết có nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở đất. Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã An Khánh cho biết: Chúng tôi nhiều lần tuyên truyền nhưng một số người dân vẫn cho rằng trách nhiệm phòng chống thiên tai là của chính quyền địa phương. Ngoài ra, các đơn vị, công ty đứng chân trên địa bàn xã nhiều trường hợp phối hợp chưa thực sự hiệu quả; có lần, nhân lực, thiết bị đến nơi thì mọi việc đã được xử lý xong.

 

Có ý kiến cho rằng, để tâm lý người dân chủ quan là do công tác chuẩn bị PCTT ở một số xóm, xã chưa tốt. Có nơi chỉ lập phương án PCTT trên giấy, không phổ biến và tổ chức diễn tập cho bà con. Ngoài ra, việc để người dân xây dựng nhà dưới ta-luy đất cao, nguy hiểm cũng một phần do trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa sâu sát, tuyên truyền, ngăn chặn ngay từ ban đầu. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết: Để nâng cao hơn nữa tính chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, huyện đã tăng cường kiểm tra tại cơ sở, tổ chức phê duyệt sớm, chi tiết phương án PCTT-TKCN của các xã, thị trấn và yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền các phương án tới nhân dân. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên thống rà soát, thống kê các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, chuẩn bị lực lượng sớm ứng cứu, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu xảy ra.

 

Tình hình thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy, ngay từ lúc này, người dân hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở để có phương án tốt nhất bảo vệ bản thân, gia đình.