Tâm huyết với người nghèo

08:52, 28/05/2015

Nhiều lần tiếp xúc, trong đó có những lần cùng đi cơ sở, điều mà tôi nhận thấy ở anh đó là sự cởi mở, sâu sát và hết lòng vì công việc. Còn theo cách mà nhiều người nhận xét thì anh là người nói đi đôi với làm.

Anh là Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phổ Yên. Hơn 1 năm trước, chúng tôi có dịp đến xã Vạn Phái vào đúng ngày Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện giao dịch theo lịch tại xã. Khi đó, tôi vô cùng ấn tượng trước việc đồng chí Giám đốc NHCSXH có thể nhớ được tên của hầu hết tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) cũng như nắm khá rõ hiệu quả hoạt động của từng người. Một lần khác ở xã Minh Đức, khi biết chúng tôi muốn đến một số hộ phát huy tốt hiệu quả đồng vốn vay, không cần phải hỏi cán bộ phụ trách xã, anh đã có thể giới thiệu ngay với chúng tôi một số địa chỉ. - Tại sao anh có thể nhớ được tên các tổ trưởng, thậm chí là cả những hộ vay vốn? Anh mộc mạc bảo: Gắn bó với huyện 20 năm, trong đó có hơn chục năm ở NHCSXH huyện nên việc nhớ đó không có gì quá khó… Anh nói thế vì khiêm tốn, chứ tôi biết, để làm được điều đó, anh phải thường xuyên gắn bó, sâu sát với cấp ủy, chính quyền cơ sở, cũng như với anh em cán bộ trong cơ quan.

 

Sinh năm 1972, anh bắt đầu đi làm năm 1996 ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chi nhánh huyện Na Rì (Bắc Kạn). 1 năm sau, anh được chuyển về Agribank, Chi nhánh huyện Phổ Yên. Năm 2004, khi NHCSXH được thành lập, với sự tâm huyết dành cho người nghèo, anh đã xin chuyển công tác sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Cùng năm này, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phòng Giao dịch. Từ tháng 2-2013, anh giữ chức Giám đốc.

 

Những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH Phổ Yên luôn bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời tham mưu, đề xuất với Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định; phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đến các xã, thị trấn; tổ chức chỉ đạo triển khai cho vay kịp thời đến hộ đối tượng, không để ách tắc ứ đọng vốn (tỷ lệ sử dụng vốn luôn đạt từ 98-99%); kịp thời tham mưu điều chỉnh nguồn vốn giữa các chương trình để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế và tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Đơn cử như năm 2014, đơn vị đã tham mưu điều chỉnh hơn 13 tỷ đồng từ chương trình hộ nghèo sang cho vay hộ cận nghèo; hơn 2,3 tỷ đồng từ cho vay học sinh sinh viên sang cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Cùng với đó, NHCSXH huyện cũng luôn chủ động phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu cho huyện chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác cho đơn vị để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Đến nay, nguồn vốn NHCSXH huyện nhận ủy thác của địa phương là 2,2 tỷ đồng (Phổ Yên là một trong số các địa phương có vốn ủy thác cho NHCSXH huyện nhiều nhất tỉnh).

 

Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, một trong những nhiệm vụ luôn được anh Thịnh quan tâm chỉ đạo và chú trọng thực hiện đó là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ tính riêng năm 2014, thực ngoài việc kiểm tra được 18/18 xã, thị trấn, NHCSXH Phổ Yên đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác kiểm tra sử dụng vốn vay được 570 lượt tổ TK-VV; 2.565 lượt hộ; phối hợp đối chiếu công khai ở 100% các xã, thị trấn, 100% các tổ TK-VV; 75% số hộ còn dư nợ. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả. Cùng với kiểm tra, giám sát, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK-VV cũng được anh Thịnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Anh bảo, Ban quản lý các tổ TK&VV chính là những cánh tay nối dài của NHCSXH, nếu không có các tổ này thì chỉ với 9 cán bộ của đơn vị sẽ không thể quản lý được hàng chục nghìn hộ vay vốn ở 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện như hiện nay và chỉ cần 1 số Ban quản lý tổ hoạt động không tốt lập tức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả Phòng Giao dịch. Cũng bởi thế, năm 2014, căn cứ vào kết quả chấm điểm, kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của 371 Ban quản lý tổ TK-VV, NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND, các hội, đoàn thể cấp xã thực hiện thay đổi, kiện toàn 19 Ban quản lý tổ và sáp nhập 1 tổ.

 

Trong những năm qua, NHCSXH huyện Phổ Yên đã triển khai thực hiện cho vay ở 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Tính đến 15-5, tổng dư nợ cho vay đạt 250 tỷ đồng (tăng hơn 8 tỷ đồng so với cuối năm 2014), với gần 12,5 nghìn khách hàng.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phổ Yên đã đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện trong những năm qua, mà một trong số đó là giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 15,7% (2010) xuống còn dưới 5% (hiện nay). Trong thành tích chung đó của NHCSXH huyện, không thể không kể tới sự đóng góp của cá nhân đồng chí Nguyễn Quang Thịnh. Đó là một giám đốc năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm. Anh luôn chủ động, kịp thời tham mưu với Ban đại diện để việc phân bổ nguồn vốn cũng như giải quyết vấn đề nợ quá hạn hiệu quả, hợp lý. Nhờ đó, chất lượng sử dụng vốn của người dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp (khoảng 0,07%). Cũng chính vì thế, NHCSXH huyện luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương. Có thể nói, NHCSXH là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của huyện, là bạn đồng hành không thể thiếu đối với những hộ có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Và những cán bộ luôn hết lòng vì công việc như anh Thịnh thật đáng trân trọng.