Tăng cường quản lý người di cư trong phòng bệnh sốt rét

08:07, 26/05/2015

Trong những năm qua, huyện Phú Lương là địa phương có số lượng người mắc sốt rét và số ca phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao hàng đầu của tỉnh.

Khi bệnh sốt rét đang vào mùa cao điểm như hiện nay, các cấp, ngành chức năng của huyện đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống sốt rét, trong đó, tập trung vào việc quản lý người dân di cư.

 

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương thông tin: Từ năm 2008 – 2014, trung bình mỗi năm, ở huyện có hàng chục người mắc sốt rét, trong đó có từ 3-5 ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, ở Phú Lương có 13 bệnh nhân mắc sốt rét lâm sàng. Tất cả những trường hợp phát hiện ký sinh trùng sốt rét trên đều là những người đi làm kinh tế tại các địa phương khác hoặc ở vùng khai thác vàng, những nơi có dịch sốt rét lưu hành.

 

So với các địa phương khác trong huyện Phú Lương, Yên Lạc là một trong những xã có số lượng người mắc sốt rét ở mức cao. Y sĩ Hoàng Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Yên Lạc cho biết: Trong những năm trở lại đây, ở xã Yên Lạc thường xuyên phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét ngoại lai (do người bệnh bị nhiễm sốt rét ở nơi khác mang mầm bệnh về địa phương). Tiêu biểu như vào tháng 7-2014, bệnh nhân Nịnh Văn Hùng ở xóm Cây Thị đi lao động tại Lào trên đường trở về xã có những biểu hiện như  sốt cao, rét run được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu và điều trị. Sau khi bệnh nhân được chuyển về địa phương, chúng tôi đã lập hồ sơ quản lý và tuyên truyền về bệnh sốt rét và cách phòng, chống cho bệnh nhân, người thân trong gia đình và nhân dân trên địa bàn. Đối với những người đi lao động tại những vùng có dịch sốt rét lưu hành trở về địa phương, nhân viên y tế thôn bản đã vận động người đó đến Trạm y tế để xét nghiệm máu, lập sổ theo dõi biểu hiện của bệnh sốt rét.

 

Bệnh sốt rét có những triệu chứng dễ nhận biết như trong một lần lên cơn sốt rét sẽ trải qua giai đoạn sốt, rét run, sau 15 - 30 phút chuyển thành sốt, nóng, tiếp đó người bệnh ra nhiều mồ hôi... Khi có những triệu chứng như vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm chẩn đoán ký sinh trùng gây bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những tai biến dẫn đến tử vong.

Còn Bác sĩ Nguyễn Đình Thu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Đổ cho biết: Cùng với tăng cường quản lý người dân di cư, chúng tôi đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về bệnh sốt rét và cách phòng, chống bằng các biện pháp: treo pa nô tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp xóm hoặc thông qua đội ngũ y tế thôn bản…

 

Không chỉ tại các xã như Yên Lạc, Yên Đổ mà những địa phương khác của huyện Phú Lương đều đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét như: tuyên truyền người dân nằm màn khi đi ngủ, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho bà con, phát quang bụi rậm… Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Phú Lương đã yêu cầu các trạm y tế xã tăng cường quản lý người dân di cư, mà trọng tâm là những người từ các vùng có dịch sốt rét như: Lào, Cam – pu – chia… hay một số tỉnh phía Nam của nước ta trở về địa phương để có phương án xử lý kịp thời khi xuất hiện ký sinh trùng sốt rét, ngăn chặn nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng. Trung tâm Y tế huyện cũng đã chỉ đạo các trạm y tế xã cấp thuốc tự điều trị, hướng dẫn cách tự chẩn đoán và sử dụng để chủ động xử trí khi bị sốt nghi ngờ mắc bệnh sốt rét đối với người dân địa phương đi vào những vùng có dịch sốt rét lưu hành, hạn chế sốt rét thể thông thường chuyển thành sốt rét ác tính gây tử vong. Năm 2014, toàn huyện Phú Lương đã cấp thuốc điều trị dự phòng cho 340 trường hợp người dân đi vào vùng có dịch sốt rét lưu hành hoặc đi làm ăn xa nhà.

 

Hiện đang là mùa mưa, thời điểm số ca mắc sốt rét có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa các ca mắc bệnh về sốt rét, Trung tâm Y tế huyện đã khuyến cáo trạm y tế các xã chú ý chẩn đoán sớm và gửi mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp có biểu hiện của bệnh sốt rét về Trung tâm để nhanh chóng xét nghiệm, phát hiện và phối hợp điều trị bệnh kịp thời. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền cho người dân thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau: loa truyền thanh, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp…về các biện pháp phòng, chống sốt rét, truyền thông nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về bệnh sốt rét, hướng đến mục tiêu: không mắc, không dịch, không có người chết do sốt rét.