Thận trọng với thời tiết nắng nóng kéo dài

16:10, 27/05/2015

Thời tiết nắng nóng đang xảy ra trên hầu hết các tỉnh miền Bắc trong đó có Thái Nguyên gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe, tránh làm việc trực tiếp dưới trời nắng nóng hoặc môi trường có nhiệt độ cao, kín gió...

 

Những ngày gần đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây, kết hợp với đới gió tây nam gây ra hiệu ứng phơn mạnh. Nhiệt độ không khí trong ngày phổ biến từ 28 đến 37 độ C. Đặc biệt, có những ngày, nhiệt độ buổi trưa tăng lên 34-37 độ C. Độ ẩm không khí trung bình 79-80%.

 

Thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân nhất là bà con nông dân đang bước vào vụ gặt. Theo ghi nhận của chúng tôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên và một số huyện lân cận, bà con nông dân đã điều chỉnh thời gian ra đồng gặt lúa. Để tránh nắng gắt, thay vì ra đồng lúc 7 giờ sáng gặt tới 11 giờ trưa như thường lệ, nhiều nông dân đã ra đồng từ 5 giờ sáng, nghỉ lúc 9 giờ và tiếp tục công việc lúc 16 giờ cho đến tối. Toàn xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) có 370 ha lúa vụ xuân, trong đó có trên 240ha chưa gặt xong tuy nhiên, do nắng nóng, chỉ đến 10 giờ trưa là những cánh đồng lúa trên địa bàn xã đã không còn người dân gặt lúa. Bà Diệp Thị Phương ở xóm Gốc Thị gieo cấy 5 sào lúa vụ xuân đang thu hoạch cho biết: Đối phó với thời tiết rất nắng nóng, hai hôm nay, cả gia đình tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra đồng gặt lúa tránh nắng nóng ban trưa.

 

Nắng nóng cũng làm một số người dân phải nhập viện điều trị. Tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, lượng bệnh nhân mặc dù không tăng cao nhưng lác đác có người bệnh mắc những bệnh như: huyết áp cao, tim mạch, hô hấp mãn tính… nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, lượng người nhập viện điều trị do ảnh hưởng của nắng nóng tăng nhẹ. Riêng tại Khoa Lão khoa, lượng bệnh nhân tăng tới 20% so với tuần trước. Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thị Nhuận, Trưởng khoa cho biết: Thường thì mỗi đợt nắng nóng kéo dài, Khoa Lão khoa lại tiếp nhận thêm từ 20% đến 30% bệnh nhân nhập điều trị nội trú. Bệnh nhân điều trị tại khoa hầu hết mắc các bệnh mãn tính như: tim, mạch, hô hấp…

 

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, mùa Hè năm 2015, người dân cần hết sức cảnh giác với một số bệnh có nguy cơ xuất hiện, lan rộng như: tiêu chảy cấp (đặc biệt nguy hiểm do tả, lỵ), sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, viêm não vi rút, bệnh dại... Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần tổ chức vệ sinh môi trường nơi công cộng, khu dân cư; chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh đã có vắc xin để dự phòng; khi có các biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Mùa nắng, nóng có rất nhiều bệnh xảy ra cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành và người cao tuổi. Những người mắc các bệnh huyết áp cao, tim mạch… khi gặp thời tiết nắng, nóng kéo dài, độ ẩm cao dễ tái phát bệnh; những người thường xuyên làm việc dưới nắng nóng hoặc trẻ nhỏ chơi ngoài trời nắng, tắm biển khi nắng nóng, nhiệt độ cao thì rất dễ mắc bệnh say nắng, say nóng; những người làm việc trong hầm lò, đứng máy, đứng ngoài trời lúc nắng nóng, tập trung chỗ đông người cũng có thể mắc bệnh say nóng, say nắng. Say nóng thường xảy ra khi làm việc, vui chơi ở nơi có nhiều tia hồng ngoại, nơi nóng - ẩm ướt, thông gió kém hoặc không có thông gió, trời oi bức. Còn say nắng thường bị lúc giữa trưa khi trời nắng gay gắt do có nhiều tia tử ngoại.

 

Thời tiết nắng nóng cũng làm cho bệnh ngoài da xuất hiện nhiều do các thành phần của da bị biến tính khi gặp thời tiết nóng quá hoặc nắng cường độ mạnh chiếu trực tiếp; nguy cơ bị mắc các bệnh về đường ruột, ngộ độc thực phẩm tăng cao vì trời nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Để giữ sức khỏe trong những ngày nắng nóng kéo dài, PGS, TS Dương Hồng Thái khuyến cáo khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh say nóng, say nóng luôn luôn cần đề phòng không ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức; không tắm biển hoặc sông suối vào lúc còn nắng gắt; cần có bảo hộ lao động tốt tại các nơi làm việc như: hầm lò, nhà máy, công xưởng, nơi tập trung đông người luôn được thông gió... Mỗi người nên duy trì uống nhiều nước hằng ngày, uống nước có pha thêm một ít muối ăn, tăng cường bổ dưỡng bằng các loại rau, quả tươi... Khi ra ngoài trời nắng cần đội mũ rộng vành, mặc áo thấm mồ hôi tốt để dễ thoát mồ hôi, giúp cơ thể ổn định nhiệt độ; không ăn, uống các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thức ăn đường phố; không ăn rau sống, các loại thực phẩm chưa nấu chín như: nem chua, gỏi cá, thịt tái… Riêng các bệnh nhân huyết áp cao, tim mạch… cần tuyệt đối tuân thủ quy trình dùng thuốc dự phòng, bố trí nơi ở, làm việc sạch sẽ, thoáng mát để tránh tái phát bệnh.