Thay lời tri ân

17:29, 13/05/2015

Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với anh và báo chí trong nước cũng đã dành khá nhiều giấy mực để viết về anh - doanh nhân Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh.

Chuyện làm ăn, chuyện kinh doanh của anh thì khá rõ, nhưng có điều nay tôi mới biết đó là tấm lòng thiện nguyện trong anh dường như bất tận…!

 

Anh Thắng đã từng nói với tôi: “Nếu ta nắm chặt tay vào thì không có ai lấy được gì ra khỏi tay ta. Nhưng như thế thì cũng không ai có thể bỏ gì vào tay ta cả”. Có lẽ, với phương châm sống ấy mà suốt những năm qua, song cùng việc kinh doanh anh vẫn luôn dành tâm huyết cho các hoạt động thiện nguyện, những việc làm tri ân mang nặng nghĩa tình…

 

Tìm hiểu về anh, tôi mới nhận ra rằng, cái tâm lớn trong anh đã được hun đúc từ sự khốn khó của chính bản thân và gia đình khi xưa. Ai đó đã từng nói: “Biết khó, biết khổ người ta mới biết sướng, mới biết sống vì người khác”. Anh là người như vậy. Cả một thời trai trẻ tham gia quân đội, chuyển ngành và đi học, từ đôi bàn tay trắng, anh miệt mài học tập rồi trở thành cán bộ tại Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) cho đến khi nghỉ chế độ. Trong suốt quá trình ấy, mặc dù đời sống kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, song, anh luôn biết nghĩ về người khác, luôn mang trong mình nỗi niềm trắc ẩn về những số phận khó khăn hơn mình.

 

Từ những nỗi niềm trắc ẩn ấy, tưởng rằng anh được nghỉ hưu mà rồi lại chẳng được nghỉ. Trong anh như có một động lực thôi thúc, giục giã phải vươn lên làm giàu. Kết quả không phụ công người, hiện nay anh đang làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, với nhiều đơn vị thành viên, có lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng, kinh doanh đa lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh điện, khai khoáng, trung tâm thương mại, bất động sản… 

 

Với sự nỗ lực và hiệu quả trong kinh doanh, nên người ta thường gọi anh với cái tên “Thắng An Khánh”, “Thắng Núi Pháo”… Còn “Thắng thiện nguyện”, “Thắng từ thiện” là nói đến cái tâm của anh. Anh bộc bạch: “Nét đặc trưng nhất trong con người tôi là khát vọng làm giàu và say mê làm từ thiện”. Năm 1990, nghe tin T.P Thái Nguyên xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ Thanh niên xung phong ở Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), anh đã đến gặp Ban Quản lý xin được đóng góp tiền của. Sau này anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như xây gần 100 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, làm trường học cho các cháu, công đức xây dựng đền, chùa trong và ngoài tỉnh.

 

Nhưng điều làm cho anh cảm thấy hạnh phúc nhất đó là được bỏ công, bỏ của tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Hồi ấy, vào đầu năm 2008, tình cờ nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh nói về việc Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Định Hóa do Đảng bộ, nhân dân T.P Hà Nội xây tặng tỉnh ta có một số hạng mục cần được tôn tạo, anh đã mạnh dạn đề xuất ý kiến xin được tài trợ toàn bộ công việc này. Những đề xuất của anh đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đồng ý, như: Đúc tượng Bác toàn thân, nặng 4,2 tấn dát vàng; đúc khánh đồng nặng 1,4 tấn; đắp 3 ngọn núi phía sau Nhà tưởng niệm tạo thế tựa sơn; tôn tạo toàn bộ cảnh quan các tuyến đường xung quanh Nhà tưởng niệm… Tổng giá trị đầu tư tôn tạo là hơn 10 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ số tiền ấy là tiền cá nhân mà anh đã dành dụm được để thực hiện ước nguyện của mình với Bác, với quê hương.

 

Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành khang trang, sững sững trên đỉnh Đèo De lịch sử là niềm tự hào không chỉ của riêng người Thái Nguyên mà còn là niềm tự hào, điểm đến trong những chuyến hành trình về với nguồn cội của mỗi người dân đất Việt. Đến hôm nay, sau 10 năm công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào hoạt động mới thấy hết tầm vóc ý nghĩa giáo dục lịch sử to lớn đối với thế hệ sau.

 

Với tấm lòng thiện nguyện của mình, anh Thắng nói với tôi trước lúc chia tay: “Học và làm theo Bác, mỗi người có một cách riêng, nhưng với tôi sẽ tiếp tục hành trình tình nguyện từ thiện thay cho lời tri ân”.