Thực trạng các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh

18:42, 04/05/2015

Hệ thống chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và giữa các vùng miền. Tuy nhiên, công tác xây dựng và quản lý chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Chợ Cầu, xã Nhã Lộng (Phú Bình) là nơi tập trung, giao lưu buôn bán rất đông đúc của người dân trong xã và các địa phương lân cận. Chợ họp theo phiên vào các ngày 3, 5, 7, 10, 13, 15, 17, 20, 23, 25 và 27 Âm lịch hàng tháng. Mặc dù được đầu tư xây dựng kiên cố từ năm 2000, song đến nay, hạ tầng chợ đã xuống cấp nặng nề. Chợ có hơn 50 gian hàng đều là những túp lều lụp xụp, không có hệ thống điện thắp sáng, nước sạch và công trình vệ sinh công cộng. Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua bán tại chợ và cuộc sống của dân cư xung quanh. Bà Nguyễn Thị Hồng, xóm Trại, xã Nhà Lộng, một trong những hộ dân sinh sống gần chợ bức xúc cho biết: Từ nhiều năm nay, sau mỗi phiên chợ, rác thải được chất thành từng đống ngay tại góc chợ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các hộ dân sinh sống ở đây. Những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, còn những ngày mưa thì nước thải ứ đọng không có chỗ thoát rất mất vệ sinh. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Chợ Cầu được hình thành từ thời Pháp thuộc trên diện tích mặt bằng chưa đầy 2.000m2. Nhiều năm qua, chợ không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thương buôn bán ngày càng lớn của người dân. Năm 2010, UBND xã đã có kế hoạch xây dựng chợ mới nhưng do thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

 

Chợ La Hiên, xã La Hiên (Võ Nhai) nằm ngay cạnh Quốc lộ 1B nên lượng người đến trao đổi, buôn bán tại chợ khá lớn. Chợ họp 6 phiên/tháng. Trung bình, mỗi phiên có khoảng hơn 1.000 lượt người đến giao thương, mua bán. Do diện tích chợ hẹp, trong khi nhu cầu buôn bán khi nhu cầu mở rộng kinh doanh buôn bán của người dân ngày càng lớn nên nên khoảng 5 năm trở lại đây, chợ rơi vào tình trạng quá tải. Không đủ chỗ để họp chợ, bà con đã ngồi lấn ra cả lòng đường, vỉa hè gây nên tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông mỗi khi diễn ra phiên chợ. Không chỉ có vậy, hiện nay, các công trình hạ tầng thiết yếu trong chợ như: Đình chợ, nền chợ, hệ thống cấp thoát nước… đều đã xuống cấp. Đặc biệt, một lượng rác thải lớn từ chợ không được phân loại, xử lý mà đổ thẳng xuống dòng suối Đát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng quá tải và xuống cấp của chợ La Hiên, UBND xã đã nhiều lần đề xuất với huyện, tỉnh cấp kinh phí để mở rộng và nâng cấp chợ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

 

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp cần phải được sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 139 chợ gồm: 38 chợ thành phố, thị xã, thị trấn và 101 chợ nông thôn, trong đó chỉ có 3 chợ hạng 1; 12 chợ hạng 2; 3 chợ hạng 3; còn lại là 124 chợ tạm.  90% chợ nông thôn được hình thành và phát triển từ trước năm 2006, phần lớn phát triển tự phát nên việc phân bố chợ còn nhiều tồn tại, không đồng đều giữa các vùng, có huyện số lượng nhiều, có huyện lại rất ít chợ. Mặt khác, hạ tầng chợ, cụ thể là hệ thống điện, đường giao thông trong chợ, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy còn nhiều yếu kém… vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa trao đổi tại các chợ, đặc biệt là chợ nông thôn còn nghèo nàn, hoạt động kinh doanh của chợ chủ yếu vào buổi sáng, một tuần một đến hai phiên, mỗi phiên diễn ra vài giờ, sau đó chỉ còn một số ít hộ kinh doanh thời gian còn lại nên việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp sửa chữa chợ ít được các cấp chính quyền quan tâm. Trong khi đó, việc thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng chợ nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Huy Khải, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, quản lý và khai thác chợ nông thôn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư quản lý và khai thác chợ chủ yếu tập trung đầu tư vào khu vực trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư có sức mua lớn, còn lại các khu vực khác, đặc biệt là khu vực nông thôn, các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại không được đầu tư. Một mặt, do Ngân sách Nhà nước hạn chế; mặt khác, chưa có cơ chế ưu đãi riêng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chợ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chợ.

 

Chính vì vậy, mới đây, Sở Công Thương đã xây dựng Quy định về Hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét và thông qua trong kỳ họp sắp tới. Mục đích của Quy định này là nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác và quản lý chợ nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thương buôn bán ngày càng lớn của người dân ở khu vực nông thôn. Theo Quy định này, dự kiến sẽ có 129 chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng, nâng cấp với tổng số nguồn vốn khoảng 510 tỷ đồng (trung bình khoảng 4 tỷ đồng/chợ), trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 88,4 tỷ đồng; 421 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. Có thể nói rằng, trước thực trạng xuống cấp, yếu kém của hạ tầng chợ nông nông thôn trên địa bàn tỉnh như hiện nay, việc Quy định trên được thông qua sẽ thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ, giảm bớt ghánh nặng cho ngân sách Nhà nước.