Trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) giảm sút, hàng tồn kho lớn, hiệu quả kinh doanh thấp, một số DN phải thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể…
Vì vậy, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND tỉnh, hệ thống ngân hàng tỉnh luôn bám sát các mục tiêu, chương trình phát triển KT-XH của địa phương để triển khai thống nhất trong toàn hệ thống đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả nhằm hướng dòng tín dụng vào sản xuất, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN.
Với quyết tâm cao của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh và NHNN, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng lên, chất lượng tín dụng được kiểm soát theo chuẩn mực, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xã hội địa phương, tín dụng tập trung chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, các dự án trọng điểm. Tính đến cuối tháng 3-2015, tổng nguồn vốn huy động đạt 26.191 tỷ đồng, tăng 4,84%; dư nợ tín dụng đạt 27.650 tỷ đồng tăng 1,75% (so cuối năm 2014), trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn đạt 5.706 tỷ đồng, với 123.107 khách hàng còn dư nợ. Nợ xấu chỉ chiếm 0,82% trên tổng dư nợ.
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, NHNN chi nhánh tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình kết nối Ngân hàng - DN; Chương trình bình ổn thị trường từ nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh, các ngân hàng trên địa bàn đã áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường như: Chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong trả nợ vốn vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; đơn giản hoá thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh; thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ; tổ chức các hội nghị đối thoại kết nối…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho DN và thị trường. Kết quả thực hiện cho vay mới, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất các khoản vay cũ trong chương trình kết nối, đối thoại tính đến hết quý I/2015 với tổng giá trị hợp đồng trên 5.700 tỷ đồng, trong đó giải ngân gần 5.300 tỷ đồng cho 266 DN và khách hàng. Thông qua các chương trình kết nối, đối thoại, các DN đã thể hiện sự đồng thuận với ngân hàng, ghi nhận sự nỗ lực lớn từ các ngân hàng thương mại, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự tham gia ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong việc giúp DN tháo gỡ khó khăn kịp thời về tài chính, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với bề dày truyền thống, qua 64 năm xây dựng và phát triển, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều này được thể hiện qua việc phát triển mạng lưới ngân hàng: Từ chỗ chỉ có 3 ngân hàng thương mại Nhà nước (năm 1988), đến nay, đã có 19 ngân hàng thương mại, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 2 Quỹ tín dụng nhân dân, 1 Tổ chức tài chính vi mô, 10 chi nhánh loại III trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 73 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng với 137 máy ATM, 306 máy POS được kết nối liên thông. Với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát điều hành của UBND tỉnh, của NHNN Việt Nam để chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả, với phương châm ngân hàng luôn là bạn đồng hành cùng DN.
Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Để phát huy truyền thống đã đạt được, thời gian tới, hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục dành nguồn vốn ưu tiên cho các DN sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tích cực xử lý các khoản nợ xấu thông qua việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; thực hiện đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong quan hệ vay vốn, lãi suất, tái cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cơ cấu lại nợ, đồng thời thực hiện chương trình bình ổn thị trường, cho vay hỗ trợ nhà ở, chương trình kết nối, đối thoại để nắm bắt các khó khăn vướng mắc của DN trong quan hệ tín dụng để tháo gỡ và xử lý kịp thời, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.