Xóa lò gạch thủ công ở Định Hóa

16:01, 25/05/2015

Thực hiện Quyết định số 164/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 24-1-2013 về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Định Hóa đã xây dựng kế hoạch để thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 13 lò gạch thủ công đang hoạt động...

Thực hiện Quyết định số 164/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh (viết tắt là QĐ164), Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Định Hóa đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch để thực hiện theo đúng lộ trình. Theo đó UBND các xã, thị trấn có lò gạch thủ công đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ xóa bỏ lò gạch thủ công theo chủ trương của tỉnh. Nhiều hộ dân đã cam kết và nghiêm chỉnh thực hiện dừng hoạt động ở các lò gạch thủ công. Cụ thể, sau gần 2 năm thực hiện QĐ164, 22 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động.

 

Tuy nhiên, Định Hóa hiện vẫn còn 13 lò gạch thủ công đang hoạt động tập trung ở các xã: Phượng Tiến, Bình Thành, Bảo Cường, Tân Dương và thị trấn Chợ Chu. Các lò gạch chủ yếu nằm ở các khu vực dân cư hoặc khu vực trồng lúa và cây màu. Trong khi đó, theo QĐ164, các lò gạch này phải chấm dứt hoạt động trước tháng 6 năm 2013. Như vậy, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công ở huyện Định Hóa vẫn chưa thực hiện được theo đúng lộ trình của UBND tỉnh. Mới đây, mặc dù UBND các xã, thị trấn đã ra các quyết định đình chỉ hoạt động của 13 cơ sở sản xuất gạch thủ công còn lại trên địa bàn nhưng thực chất các lò vẫn chưa dừng hẳn hoạt động. Khi phát biểu trong một cuộc đối thoại với lãnh đạo UBND huyện Định Hóa được tổ chức mới đây, nhằm tìm giải pháp thực hiện các quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh về chấm dứt, xóa bỏ lò gạch thủ công, 13/13 hộ dân là chủ các lò gạch thủ công đều thể hiện sự tán thành cao chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, các hộ đều đề nghị được kéo dài hoạt động đến hết tháng 12-2015.

 

Lý do mà các chủ lò gạch này đưa ra để lý giải cho việc chậm trễ chấm dứt hoạt động là: các lò hoạt động theo thời vụ, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết (mùa mưa không hoạt động được) nên việc đẩy nhanh sản xuất hết số nguyên liệu sẵn có gặp nhiều khó khăn; Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề khi xóa bỏ lò gạch thủ công. Một số chủ lò còn cho rằng, do phải vay vốn đầu tư sản xuất nên việc dừng ngay sản xuất sẽ không đủ khả năng hoàn trả vốn; mặt bằng sản xuất gạch thủ công chủ yếu là đi thuê, đất nguyên liệu sản xuất gạch còn nhiều, nếu dừng sản xuất thì sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để đem đất nguyên liệu đổ đi, hoàn trả mặt bằng đi thuê. Ông Nguyễn Văn Khánh, phố Đoàn Kết, thị trấn Chợ Chu cho biết: gia đình sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công từ năm 2005. Kinh phí để xây dựng vỏ lò khoảng 20 triệu đồng/lò, thuê sân bãi để tập kết gạch vào khoảng 30 triệu đồng/năm. Mỗi năm, gia đình sản xuất được khoảng 50 vạn gạch, tạo việc làm cho 14 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, gia đình ông còn tồn khoảng 1.500m3 đất sét sản xuất gạch và 15 vạn gạch chưa được cho vào lò nung. Nếu phải chấm dứt ngay hoạt động thì thiệt hại về kinh tế cho gia đình là khá lớn. Thêm vào đó, số lao động làm việc tại lò cũng chưa thể tìm ngay được việc làm phù hợp...

 

Những lý do mà các chủ lò gạch đưa ra có vẻ xác đáng. Tuy nhiên, thời gian qua, UBND huyện Định Hóa cũng đã nhiều lần gia hạn thêm thời gian hoạt động cho các lò gạch, để các chủ lò có thêm thời gian giải quyết những khó khăn, vướng mắc của mình. Thế nhưng, việc các hộ dân tiếp tục kiến nghị được gia hạn cho các lò gạch thủ công hoạt động đến hết năm 2015 sẽ gây khó khăn cho huyện trong việc thực hiện lộ trình của UBND tỉnh đã phê duyệt. Và cũng đã có dư luận cho rằng, các hộ này đang cố tình chây ỳ, viện đủ mọi lý do để tiếp tục duy trì hoạt động của các lò gạch thủ công. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Định Hóa cho rằng: Việc triển khai các quyết định, chỉ thị của tỉnh và các kế hoạch của huyện đã được UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, thị trấn triển khai kịp thời tới tận các chủ lò. Các chủ lò cũng đã ký cam kết dừng hoạt động. Thế nhưng, việc tiếp tục kiến nghị gia hạn thêm thời gian hoạt động ở các lò gạch thủ công cũng đồng nghĩa các chủ lò vẫn chưa thực sự tôn trọng và thực hiện theo đúng lộ trình của UBND tỉnh. Còn ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cũng thể hiện rõ quan điểm: Mặc dù rất chia sẻ với những khó khăn hiện tại của các hộ dân có lò gạch thủ công nhưng huyện cũng yêu cầu các huyện chấp hành nghiêm các quyết định của UBND xã, thị trấn về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. Các lò gạch thủ công sẽ phải dừng hoạt động hoàn toàn trước 30-6-2015. Nếu các hộ không thực hiện đúng theo cam kết, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.