Ăn tiết canh - lợi ít, hại nhiều

17:38, 16/06/2015

Tiết canh là món được nhiều người cho rằng đem lại may mắn và là món “khoái khẩu”. Mặc dù vậy, đây lại là món gây nguy cơ bệnh tật thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người ăn. 

Được cho là món, “đỏ”, tiết canh được nhiều người chọn là món ăn trong ngày đầu tiên của tháng âm lịch với ý nghĩ sẽ được may mắn trong cả tháng. Chính vì vậy, dạo quanh các quán điểm tâm sáng trên địa bàn T.P Thái Nguyên vào sớm ngày 16-6 (mồng 1-5 âm lịch) có thể nhận thấy thu hút đông khách nhất vẫn là những quán ăn bán tiết canh.

 

Tại quán ăn A.Q nằm trong Khu dân cư Xuân Thịnh, phường Đồng Quang, nhân viên ở đây cho biết, lượng khách hàng đến ăn tại đây ngày 16-6 tăng gấp 4 lần so với ngày thường. Chủ quán ăn đã cho nhân viên kê thêm 5 chiếc bàn tràn ra lòng đường để lấy chỗ phục vụ khách. Với hơn 10 bàn ăn, vào mỗi thời điểm, quán ăn này phục vụ khoảng 70 khách trong đó hầu hết khách hàng đều sử dụng tiết canh. Tại quán ăn M.V nằm trên địa bàn tổ 12, phường Trưng Vương, lượng khách cũng tăng lên rất nhiều so với ngày thường. Cũng tương tự như các quán ăn có bán tiết canh khác, khách đến đây hầu hết chọn món tiết canh với quan niệm ăn lấy… may.

 

Mặc dù một lượng không nhỏ người dân có thói quen, sở thích ăn tiết canh nhưng đây lại là một trong những món ăn không tốt cho sức khỏe. Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Những người ăn tiết canh dễ có nguy cơ mắc các bệnh như: Rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn E-Coli, vi khuẩn tả... đặc biệt nguy hiểm là nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh liên cầu khuẩn ở người lây từ lợn sang người qua ăn uống, hô hấp và các vết trầy xước ngoài da khi tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bị nhiễm bệnh, cầm nắm thịt tươi và các sản phẩm sống khác từ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn. Khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, bệnh nhân bị hoại tử da, sốt cao, tiêu chảy, có thể nôn và nếu nặng có thể sốc nhiễm khuẩn. Bệnh này có 3 dạng: viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết hoặc bị nhiễm cả hai loại biến chứng và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị đông máu, suy đa tạng, suy gan, suy thận, suy phổi và dẫn đến tử vong.

 

Ông Cảnh cũng cảnh báo, không chỉ có lợn ốm mới gây nguy cơ nhiễm bệnh cho người ăn tiết canh, người chế biến. Trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỉ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Đó là lý do có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh, nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong. Ngoài ra, với người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc phải, do tay chân có vết thương hở tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh. Trước đây, tại xã Tiên Phong (Phổ Yên), đã có trường hợp người dân bị thương ở tay, sau khi chế biến thịt lợn sống đã bị nhiễm liên cầu lợn qua vết thương dẫn tới xuất huyết gây bỏng rát, toàn thân lở loét, bong tróc từng mảng da lớn và máu rớm chảy do da bị hoại tử. Phải mất gần 1 tháng điều trị tích cực tại Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia, bệnh nhân mới qua được cơn nguy kịch. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, các món gỏi thịt và chỉ nên ăn thịt lợn đã được nấu chín. Khi thịt lợn được nấu chín, liên cầu khuẩn cũng sẽ chết. Vì vậy, ăn thịt lợn đã nấu chín hoàn toàn có thể yên tâm. Nếu có vết thương hở trên tay, người dân cần đeo găng tay cao su khi chế biến thịt sống; tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn ốm. Khi có các biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn như: sốt cao, mệt, ốm yếu, đau đầu, nôn, hôn mê và hoại tử da, cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.