Ngày 18/6, tại hội thảo “Đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Tổng biên tập Báo Đất Việt Vũ Hữu Nghị cho rằng, báo chí tham gia phản biện và giám định xã hội phải bằng cái tâm trong sáng.
Toàn hệ thống Liên hiệp Hội hiện có 101 cơ quan báo chí với gần 400 ấn phẩm, nhưng nhiều hoạt động của Liên hiệp Hội, từ Trung ương đến các hội thành viên vẫn ít được dư luận biết tới.
Theo ông Vũ Hữu Nghị, phản biện và giám định xã hội là một chức năng quan trọng của báo chí. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng là chức năng cơ bản của Liên hiệp Hội. Đây là cơ hội để báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội phát huy sức mạnh. Tuy nhiên, trong hàng trăm tờ báo của Liên hiệp Hội chỉ có ít tờ có vị trí vững vàng trong làng báo, có tiếng nói trong dư luận và được bạn đọc quan tâm. Một trong những thế mạnh mà các báo này khai thác được chính là đội ngũ chuyên gia trong Liên hiệp Hội. Thực tế cho thấy ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm luôn thu hút bạn đọc.
Để báo chí có thể thông tin đầy đủ và kịp thời về hoạt động quan trọng này, Liên hiệp Hội cần chủ động cung cấp thông tin về hoạt động tư vấn, phản viện và giám định xã hội cho các báo. Đối với những đề án phản biện theo đơn đặt hàng, Liên hiệp Hội chỉ cần cung cấp một số kết luận chính để các báo đưa tin theo đúng quan điểm, từ đó các báo chủ động liên hệ với các thành viên tham gia phản biện lấy ý kiến với tư cách cá nhân. Ông Nghị đề nghị Liên hiệp Hội lên tiếng về những vấn đề đang được dư luận quan tâm và có thể đưa ra thông cáo báo chí. Các báo trong hệ thống dựa trên cơ sở những tuyên bố để mở rộng thông tin, vừa định hướng dư luận, vừa thể hiện được tiếng nói của các nhà khoa học trong Liên hiệp Hội.
Liên hiệp Hội cũng nên tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức vì đây là cơ hội để Liên hiệp Hội nâng cao vai trò và vị thế, cũng là cơ hội để các nhà khoa học đóng góp những ý kiến tâm huyết. Liên hiệp Hội giao cho một số báo có lượng độc giả lớn, tổ chức Diễn đàn trên báo, nêu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Liên hiệp Hội về những vấn đề cần phản biện và giám định xã hội.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề nhạy cảm, dễ dẫn đến hiểu lầm nên đòi hỏi báo chí phải phản biện bằng cái tâm trong sáng. Phản biện không có nghĩa là chống đối, hoặc bất cứ vấn đề gì cũng nói ngược lại. Phản biện phải chỉ ra được những điểm đúng và chưa đúng, phân tích có tình có lý để có quan chức năng điều chỉnh. Ngôn ngữ phản biện phải khoa học, không quy chụp, không phiến diện một chiều và phải có sức thuyết phục. Mục đích của tư vấn, phản biện và giám định xã hội là làm cho xã hội lành mạnh hơn, minh bạch hơn, thiết thực hơn và chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả hơn./.