Cần ngăn chặn triệt để việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt

14:07, 03/06/2015

Hiện nay, nhu cầu “săn cá đồng” để phục vụ các nhà hàng, khách sạn hay những bữa ăn trong gia đình đã phát triển, lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Nhu cầu này khiến nguồn thủy sản trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Người đánh bắt thủy sản thường sử dụng các dụng cụ nguy hiểm để khai thác như: cào điện, xung điện, chất nổ, lưới bén, vó cá…, khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt càng đứng trước nguy cơ bị tận diệt, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng của người đánh bắt.

Ở Tây Ninh, các địa điểm như: rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh được xem là điểm nóng về tình trạng người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Hàng ngày, đến các nơi này, chỉ cần đi với chiều dài chưa đến 1km đã có thể bắt gặp trên 10 lượt người đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Việc sử dụng bình ắc quy và bộ kích điện để đánh bắt cá đã xuất hiện từ lâu và hiện đang trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình ở ven sông. Nhiều người đã tự mua bình ắc quy và dây điện về chế tạo hoặc mua bộ kích điện bán sẵn ngoài thị trường với giá khoảng hơn 1 triệu đồng/bộ. Nhiều người đánh bắt cá bằng xung điện cho biết, sử dụng các công cụ đánh bắt trên rất đơn giản, chỉ cần kích điện là tất cả các loại cá lớn, nhỏ trong bán kính từ 3 đến 4m đều bị tê liệt, chết hoặc nổi lên mặt nước. Sau đó, họ sẽ dùng lưới, vợt để vớt cá một cách dễ dàng.

 

Trung bình mỗi ngày người sử dụng bình ắc quy cầm tay để khai thác cá có thể khai thác được từ 50 đến 70 kg thủy sản các loại, còn với các ghe cào thì số thủy sản thu được tăng lên từ 5 đến 10 lần. Gần đây, có người còn “nghiên cứu” chế tạo ra một loại xiệc lạnh để tăng năng suất khai thác, đánh bắt các loài thủy sản, nhất là cá nước ngọt. Nếu như loại xiệc điện trước đây chỉ bắt được một số loài cá có vây như: cá lóc, cá sặc, cá rô… thì nay với bộ xiệc lạnh, họ có thể đánh bắt được các loại cá sống ở tầng đáy và rất khó bắt như: lươn, cá trạch, cá trê… Nếu loại xiệc điện này được sử dụng rộng rãi sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn lợi cá nước ngọt.

 

Đánh giá về tình trạng trên, ông Lê Văn Khải, Chi Cục trưởng Chi Cục thủy sản Tây Ninh cho biết, hiện nay tình trạng người dân sử dụng xung điện để đánh bắt hải sản ngày càng gia tăng, phức tạp. Nhiều người vẫn chưa thấy được những tác hại tiềm ẩn về mất cân bằng sinh thái và nguy hại đến tính mạng người đánh bắt. Ở Tây Ninh, thỉnh thoảng lại có những trường hợp tử vong do sử dụng xung điện gây ra, chủ yếu dân nghèo mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản. Trước tình hình trên, Chi Cục thủy sản Tây Ninh đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền và kiên quyết ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản.

 

Tuy nhiên, các biện pháp xử phạt như hiện nay vẫn chỉ theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt. Nếu ngành chức năng và các địa phương ở Tây Ninh không sớm có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, xử lý kịp thời thì nguồn lợi thủy sản nước ngọt sẽ ngày càng bị cạn kiệt, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái./.