Sau 6 năm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (từ 2009 đến nay), Sở Công Thương đã tổ chức thành công 26 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Các phiên chợ đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng những mặt hàng chất lượng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, từ đó góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng Việt khi mua sắm.
Nếu như chỉ cách đây vài năm, người tiêu dùng chẳng mấy mặn mà với các mặt hàng sản xuất trong nước thì nay, hàng Việt đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, việc ưu tiên lựa chọn các mặt hàng Việt Nam đã trở thành thói quen. Chị Trần Thị Phương Dung, xóm Soi, xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: Trước đây, khi mua sắm gia đình tôi thường quan tâm đến hàng hóa giá rẻ, mẫu mã đẹp, không quan tâm lắm đến xuất xứ Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng từ khi được tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gia đình đã dần thay đổi thói quen mua sắm. Đặc biệt, khi đến tham quan, mua sắm tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tôi đã có cơ hội được sử dụng và đánh giá chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước nên đã chuyển sang sử dụng hàng hóa của Việt Nam là chủ yếu. Còn chị Hoàng Thu Thủy, xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai) thì cho biết: Gia đình tôi luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngay như đôi dép tôi đang mang cũng là hàng sản xuất trong nước. Hiện nay, chất lượng nhiều mặt hàng Việt khá tốt, đặc biệt là các sản phẩm may mặc, thời trang nên tôi rất yên tâm khi sử dụng.
Ghi nhận của chúng tôi tại các chợ, siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên cho thấy, hàng Việt đang thể hiện rõ ưu thế, khi trên các quầy, kệ hàng phần lớn là các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo đại diện Siêu thị Minh Cầu, số 1 đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên): Hiện có trên 90% hàng hóa bày bán tại siêu thị này được sản xuất trong nước. Không chỉ ở những dòng hàng phổ thông mà hàng Việt đang cạnh tranh mạnh mẽ ngay cả ở phân khúc hàng cao cấp với chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Tiếp tục khảo sát tại các cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống ở các huyện miền núi, vùng cao như: Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ… chúng tôi thấy rằng, hàng Việt đã dần chiếm tỷ lệ vượt trội so với các mặt hàng ngoại nhập. Nhiều cửa hàng còn bố trí những gian hàng dành riêng cho các thương hiệu Việt. Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được nhiều nơi in hoặc dán tại quầy bán sản phẩm hàng Việt để nhắc nhở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm cho mình.
Chị Nguyễn Thị Minh, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Tân Khánh (Phú Bình) cho biết: Những năm trước, người dân chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ, mẫu mã đẹp hay xấu mà không cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Nhưng hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi. Hầu hết, người dân khi mua hàng đều chú ý đến nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng như: Bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk... Vì thế, chúng tôi phải nhập các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều chương trình, hành động cụ thể. Trong đó, hiệu quả rõ nét nhất phải kể đến các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Phiên chợ được tổ chức với hình thức như một hội chợ thương mại nhưng khác biệt là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia đều ở trong nước và hàng hóa được bày bán 100% là hàng có thương hiệu Việt. Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương) đã tổ chức từ 3 đến 5 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi tại các huyện. Mỗi phiên chợ có quy mô từ 40-50 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Để thu hút người dân, trước mỗi phiên chợ, Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin, cổ động. Nhờ vậy, các phiên chợ đã thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, mua sắm. Chỉ tính riêng 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức từ đầu năm 2015 đến nay tại các huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình và Phú Lương đã thu hút được hơn 35.000 lượt người dân thăm quan, mua sắm, với doanh số bán hàng đạt gần 2 tỷ đồng. Con số thống kê đó đã phần nào cho thấy nhận thức và tâm lý tiêu dùng của người dân đã có những chuyển biến tích cực.
Theo bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương: Để đảm bảo sự thành công của các phiên chợ cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo uy tín cho doanh nghiệp, trung tâm rất chú trọng đến công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa. Theo đó, hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia có các chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội lồng ghép trong khuôn khổ hội chợ. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó...
Có thể thấy rằng, việc người dân ưu tiên lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm cho thấy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy hiệu quả thiết thực. Tư duy, thói quen mua sắm của người dân đã có những chuyển biến tích cực, điều đó có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ từ các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi.