Để gia đình không có bạo lực

08:20, 25/06/2015

Gia đình, không có gì lớn hơn, quý giá hơn là hạnh phúc, hạnh phúc được xây đắp nên bằng tình yêu chồng - vợ và những người thân. Nhưng khi tình yêu, sự tôn trọng không còn thì hạnh phúc cũng bay”.

Cụ Đặng Minh Thảo, 82 tuổi, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) thường nói với mọi người: “Bát đĩa còn có khi xô, huống hồ là cuộc sống vợ - chồng”... Tuy cao tuổi, song cụ luôn bận rộn với những cây cảnh, đá cảnh và bấn bíu, ríu rít với các con cháu trong nhà. Cụ được bà con nhân dân trong tổ biết đến vì từng tham gia làm công tác hòa giải thành công cho 13 cặp vợ chồng được cơm ngon, canh ngọt trở lại. Theo Chị Nguyễn Thị Linh, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin T.P Thái Nguyên: Cụ Thảo là một trong 636 cộng tác viên về công tác gia đình, tích cực tham gia các hoạt động hòa giải ở thành phố. Những người tham gia công tác gia đình đã có sự đóng góp không nhỏ vào sự bình yên cho bao mái ấm. Cũng theo bà Linh: Từ nhiều năm nay, T.P đã rất quan tâm tới công tác gia đình, nhất là các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Do vậy, từ trên Thành phố đến cơ sở các xã, phường đều thành lập được Ban Công tác gia đình, Ban do Phó Chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban. Hiện, Toàn thành phố có 58 cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình, trong đó cấp thành phố có 2 người, cấp phường, xã có 56 người, 100% cán bộ làm công tác gia đình đều có trình độ từ trung cấp trở lên.

 

Để nâng cao nhận thức cho mọi người dân, hằng năm, T.P Thái Nguyên đã bằng nhiều các hoạt động tuyên truyền, như: Tổ chức hội thảo “Vì 1 mái ấm gia đình không có bạo lực”; gặp mặt, biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu; tổ chức Liên hoan “Trẻ em với gia đình”... Cùng với tăng cường hoạt động tuyên truyền các văn bản, chính sách pháp luật Nhà nước về phòng chống BLGĐ, tại các xã, phường đã xây dựng được 132 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 518 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 67 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. 100% xã, phường xây dựng lồng ghép nội dung phòng chống BLGĐ vào tiêu chí xét chọn gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa... Hầu hết các câu lạc bộ, mô hình, địa chỉ được xây dựng đều hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc, gia đình, dòng họ, nhất là trong cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế các vụ vi phạm về Luật Phòng chống BLGĐ ở cộng đồng.

 

Trò chuyện với chúng tôi về quan điểm như thế nào là một gia đình hạnh phúc, ông Đỗ Văn Trường, phường Trưng Vương nói như một triết gia: Hãy tự bằng lòng với những gì mình có. Hãy trân trọng, gìn giữ hạnh phúc đang ở trong tay mình. Ông Trường là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, tuy cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, song vợ chồng ông luôn hết mực yêu thương nhau, tần tảo mua mớ rau, bán chợ thêm thắt nuôi dạy con cái. Hạnh phúc giản dị của người thương binh Đỗ Văn Trường, nhìn vào, không ít người thành đạt, giàu có trong xã hội ước mơ.

 

Tôi đã gặp nhiều gia đình có cuộc sống êm đềm, trên dưới thuận hòa, có nền nếp, tôn ti, trật tự, được bà con chòm xóm tôn trọng. Thực ra họ chẳng có “bí kíp” gì, mà là ở cách sống biết thương yêu, biết tôn trọng bản thân mình và biết giúp đỡ người khác. Anh Bùi Trọng Đại, xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương) cho biết: Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng chung sống. Nhưng giữa các thành viên trong gia đình luôn thấu hiểu, thương yêu, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và học tập. Hằng ngày, bố mẹ tôi luôn dạy con, cháu phải biết sống yêu thương, biết sẻ chia với mọi người trong cộng đồng xã hội. Còn ông Nguyễn Kim Chi, phường Quang Trung cho biết: Gia đình tôi có 8 người, với 4 thế hệ cùng chung sống. Mọi thành viên trong gia đình sống bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Các con tôi đều có trình độ đại học, là đảng viên, gia đình tôi nhiều năm liên tục được bà con trong tổ bình xét đạt gia đình văn hóa. Riêng bản thân tôi, là thầy thuốc nghỉ hưu, song tôi tích cực khám, chữa bệnh giúp đỡ những người nghèo không lấy tiền.

 

Hiện T.P Thái Nguyên có hơn 70.000 gia đình, trong đó có nhiều gia đình có 3 đến 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, được nhân dân trong vùng quý mến. Đó là những đại gia đình không có bạo lực, và tiêu biểu trong các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư.