Trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị cốt lõi của gia đình đang dần bị mai một. Để gia đình thực sự là “tổ ấm”, là “pháo đài” chống lại và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình luôn phải có ý thức, trách nhiệm “giữ lửa” cho chính ngôi nhà của mình.
Không ai có thể phủ nhận được vị trí, vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển của mỗi một con người cũng như sự phát triển của xã hội, quốc gia. Qua các văn bản quy phạm pháp luật, Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Điều đó có nghĩa là sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc đều phụ thuộc vào sự tồn tại của mỗi một gia đình. Mỗi gia đình tốt là xã hội tốt, mỗi gia đình giàu mạnh là góp phần cho xã hội phồn vinh… Một gia đình thực sự là “tổ ấm” phải có sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên và ngọn lửa yêu thương luôn luôn ngự trị sưởi ấm trong gia đình.
Thế nhưng thực tế ngày nay, không phải gia đình nào tồn tại cũng là “tổ ấm”. Do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không có thời gian đúng mức dành cho gia đình. Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Vợ chồng nếu không biết "giữ lửa" tình cảm cũng rất dễ bị nguội lạnh. Thời đại công nghệ số, không thiếu những gia đình hiện nay thay vì vợ chồng gặp gỡ, tâm sự, trao đổi, chia sẻ trực tiếp với nhau, để tiết kiệm thời gian người ta dùng đến phương tiện hỗ trợ là Ipad, Iphone…với những cú điện thoại hay dòng tin nhắn cộc lốc, cục ngủn, vô cảm. Không có sự chia sẻ, không tìm được tiếng nói chung, tình cảm ngày một phai nhạt… đẩy nhiều gia đình đến tình trạng ly hôn, ly thân. Nhiều gia đình cố tình duy trì nhưng chỉ như cái “vỏ”, trong đó cốt lõi của gia đình không còn. Họ gắn kết với nhau chỉ bởi trách nhiệm, bởi sĩ diện, không vượt qua được định kiến của xã hội.
Trong xã hội hiện đại, các biểu hiện tiêu cực trong gia đình cũng ngày một gia tăng, đặc biệt là bạo lực gia đình. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cũng chỉ ra 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua một trong ba loại bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần. Nghĩa là cứ khoảng 3 phụ nữ từng kết hôn thì có 2 người từng trải qua bạo lực. Trong số này, có tới 60% chị em bị thương tích hai lần trở lên. Phụ nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ có trình độ học vấn thấp bị bạo lực cao hơn và mức độ nghiêm trọng của những hành vi bạo lực cũng cao hơn.
Quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng làm cho cấu trúc gia đình có sự vận động, thay đổi, các giá trị cốt lõi về gia đình có nguy cơ bị mai một dần. Gia đình đương đại xuất hiện nhiều vấn đề mới mà trước kia chưa từng có. Đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các mô hình về gia đình. Mô hình gia đình truyền thống ngũ đại đồng đường, tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường ngày càng ít đi. Các gia đình hạt nhân chỉ có vợ chồng con cái ngày càng tăng lên. Đặc biệt trong xã hội hiện đại đang xuất hiện ngày càng nhiều các gia đình đơn thân, gia đình không con, gia đình cùng giới, kết hôn với người nước ngoài…. Đáng ngại nhất là loại hình gia đình đơn thân đang có xu hướng phát triển như một phong trào đáng báo động. Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng chỉ nhìn vào những làng, xóm không chồng ở các khu công nghiệp hay các vùng xa xôi ngày một nhiều hơn, phần nào cho thấy sự báo động của trào lưu này. Đáng ngại nhất là những người mẹ đơn thân không chỉ do hoàn cảnh xô đẩy, bất đắc dĩ phải lựa chọn cuộc sống như vậy mà hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, nhiều phụ nữ thành đạt cũng lựa chọn lối sống này. Một phần vì họ tự tin vào bản thân, một phần vì họ mất niềm tin vào gia đình, vào bạn đời. Chỉ thiệt thòi cho những đứa trẻ, dù cuộc sống có đủ đầy đến đâu cũng không thể bù đắp được sự thiếu thốn mạch nguồn tình cảm từ người cha.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm có tới 50.000 trẻ em phải bỏ học giữa chừng để tự mưu sinh vì cha mẹ ly hôn.Gia đình là môi trường đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con trẻ, nếu môi trường này không tốt, không lý tưởng, đứa trẻ sẽ rất dễ bị phát triển lệch chuẩn. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng tội phạm ở tuổi vị thành niên ngày một gia tăng.
Để gia đình thực sự là “tổ ấm”, là bến đỗ bình an của mỗi thành viên, là chỗ dựa vững chắc khi cuộc sống gặp trắc trở, để hạnh phúc luôn ngự trị trong mỗi gia đình…, mỗi người đều phải có trách nhiệm “thắp lửa” vun đắp, chăm lo, xây dựng gia đình của mình thật bền vững./.