Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay (23/6), bão số 1 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào vịnh Bắc Bộ. Hồi 11 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 220km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 22 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô và Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 24/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là khoảng từ 40 đến 50km một giờ), giật cấp 7-8. Như vậy, từ chiều tối nay (23/6), khu vực tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 24/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Cao Bằng. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Từ chiều nay (23/6) đến ngày 25/6, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia TKCN tiếp tục có Công điện số 05 ngày 22/6/2015 và Công điện số 06 ngày 23/6/2015 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, các tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc Phòng, Công An, Giao thông vận tải, Công thương, Ngoại giao thông báođiều chỉnh khu vực nguy hiểm trên biển và đề nghị các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và miền núi phía Bắc chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập…
Bộ Y tế đã có Công điện số 566/CĐ-BYT ngày 21/6/2015 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban và triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, các tỉnh: Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa tiếp tục có công điện chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động các biện pháp phòng chống ứng phó với mưa bão.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy P hòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ đội Biên phòng , tính đến 6h ngày 23/6, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu,thuyền trưởng đã thông báo , kiểm đếm và hướng dẫn cho 64 . 894 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 295 . 199 người biết diễn biến, hướng di chuy ể n của bão để chủ động phòng tránh . Cụ thể là neo đậu, hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có 29.515 phương tiện với 101.194 người; hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến là 32.629 phương tiện với 186.380 người; có 2.035 lồng bè, lều chòi canh nuôi trồng thủy sản, 4.123 người và 28 tàu với 522 thuyền viên nước ngoài, 1 tàu vận tải với 3 thuyền viên, 686 tàu du lịch với 2.987 thuyền viên./.