Từ những thông tin có được, nếu biết trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần sự giúp đỡ, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) sẵn sàng tiếp nhận và can thiệp, kịp thời. Bằng kỹ năng nghiệp vụ, lòng nhiệt huyết và sự cảm thông, thời gian qua, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã giúp hàng chục em nhỏ vượt qua khó khăn, mặc cảm tìm lại niềm tin trong cuộc sống.
Tháng 4-2015, thông qua tổng đài tư vấn miễn phí 18008080, Trung tâm đã tiếp nhận cuộc gọi phản ánh về trường hợp xâm hại tình dục trẻ em đang cần tham vấn, hỗ trợ. Qua điều tra, xác minh thì được biết, em N.T.H, sinh năm 1999, huyện X. bị đối tượng H.Đ.T, sinh năm 1989 ở cùng xóm có hành vi xâm hại tình dục, nhưng chưa thực hiện được hết hành vi thì H. thoát được. Tuy nhiên, sự việc đã khiến em bị ám ảnh và luôn sống trong nỗi lo sợ, mặc cảm.
Hoàn cảnh của H. hết sức đặc biệt. Em là trẻ mồ côi được vợ chồng bà N.T.M nhận nuôi từ lúc lọt lòng. Thế nhưng bố nuôi mất sớm, mẹ nuôi em lại thường xuyên bệnh tật, mất khả năng lao động. H. phải bỏ học để đi làm thuê kiếm sống, lo thuốc thang cho mẹ và gánh vác mọi việc trong gia đình. Vụ việc xảy ra khiến em phải tạm thời nghỉ làm, tinh thần hoảng loạn, em mặc cảm với xung quanh và thu mình lại, không giao tiếp với ai. Thậm chí, nhiều lần H. đã nghĩ đến việc tìm cái chết.
Bà M. mẹ của H. rưng rưng: “Sự việc khiến tôi rất đau lòng. Uớc mong lớn nhất của tôi là cháu được chữa trị tâm lý để hòa nhập trở lại với cuộc sống. Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không đủ điều kiện đưa cháu đi trị liệu tại các cơ sở y tế. May sao, qua tìm hiểu từ các kênh thông tin đại chúng, tôi được biết đến Trung tâm và đã gọi điện để được tư vấn, giúp đỡ. Nhận được thông tin, các cán bộ tại Trung tâm đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên, tư vấn pháp luật cho mẹ con tôi”.
Bằng những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về trị liệu tâm lý, sự tận tình của cán bộ Trung tâm và nỗ lực vươn lên của H. sau hơn 1 tháng trị liệu, tâm lý H. dần ổn định và đã có thể đi làm trở lại. Gặp H., chúng tôi cảm nhận được phần nào sự tĩnh tâm của em. H. tâm sự: “Quãng thời gian vừa qua thật sự khó khăn đối với em. Nhờ có các anh chị tại Trung tâm nhiệt tình giúp đỡ, động viên, em đã dần vượt qua được tự ti, mặc cảm. Em cũng được các anh chị tư vấn những kỹ năng sống, tự chăm sóc và bảo vệ bản thân”.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã can thiệp, trợ giúp cho trên 50 trường hợp trẻ mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng được nhận hỗ trợ chăm sóc thay thế. Đơn cử như trường hợp cháu Đào Duy Biên, sinh năm 2003, ở xóm Nhất Tâm, xã Phúc Lương (Đại Từ) đã được Trung tâm tư vấn, hướng dẫn các thủ tục để được chuyển tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Năm lên 2 tuổi Biên mẹ em bỏ nhà đi, để lại em cùng người bố bị khuyết tật nặng, tâm thần phân liệt. Cách đây 2 tháng, tai họa lại ập đến khi bố Biên đột ngột qua đời, để lại em bơ vơ trong căn nhà cô quạnh. Là người trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho trường hợp của em Biên, chị Trần Thị Quỳnh Hoa, cán bộ Trung tâm chia sẻ: “Nhận được yêu cầu của ông Đào Văn Thắng, ông nội của Biên về việc giúp đỡ, hỗ trợ em được chuyển đến sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tôi cùng một số cán bộ của Trung tâm đã đến tận nhà động viên, chia sẻ mất mát với gia đình em và hướng dẫn các thủ tục để em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đó. Tôi tin tưởng rằng dưới mái ấm mới, em sẽ được phát triển một cách đầy đủ, đúng đắn và khỏe mạnh, được tiếp tục ước mơ đến trường như bao trẻ em khác”.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một trong những đối tượng phục vụ chính của nghề công tác xã hội, các em luôn nhạy cảm trước những tác động từ môi trường bên ngoài và đứng trước nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất. Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ của Trung tâm bằng những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ vững vàng và hơn cả là lòng nhiệt huyết, sự cảm thông đã trợ giúp cho không ít hoàn cảnh trẻ em thiệt thòi, khốn khó. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã và đang trở thành điểm tựa, là cầu nối giúp các em hòa nhập với cộng đồng, được sống trong môi trường sống ổn định, an toàn để tiếp bước cho tương lai.