Từ ngày 5 đến 7-6-2015, Sở Công thương đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND huyện Định Hóa tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về miền núi tại xã Đồng Thịnh. Với các mặt hàng phong phú, đa dạng, thiết thực, Chương trình đã thu hút đông đảo người dân trong xã và vùng phụ cận đến tham quan, mua sắm...
Có mặt tại sân UBND xã Đồng Thịnh vào tối 5-6, nơi trưng bày các loại hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, háo hức của người dân địa phương đến tham quan, mua sắm. Bà Hà Thị Đào, ở thôn Đồng Mòn, xã Đồng Thịnh chia sẻ: Biết có Chương trình này tối đến, mấy mẹ con ra xem ca nhạc và tham quan các gian hàng. Tôi thấy các mặt hàng ở đây khá phong phú về chủng loại, đều là những thứ phục vụ thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất của bà con. Bản thân tôi rất quan tâm đến các sản phẩm làm bằng nhựa phục vụ sinh hoạt hằng ngày, các loại nước mắm, dầu ăn và giống cây trồng. Còn Bà Nguyễn Thị Hòa, ở thôn Đèo Tọt 2 (xã Đồng Thịnh) lại rất quan tâm đến đặc sản một số vùng miền trong nước như nước mắm, bánh đa, mỳ...
Không chỉ có bà Đào, bà Hòa, nhiều người dân đến tham quan nơi trưng bày đều nán lại rất lâu tại các gian hàng đồ gia dụng, thực phẩm, giầy dép, giống cây trồng. Theo nhận xét của nhiều người dân thì: Đến tham quan và mua sắm ở đây không bị thu vé như ở các hội chợ, người dân lại còn được thưởng thức những tiết mục ca nhạc đặc sắc. Hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá bán đều thấp hơn so với ngoài thị trường... Ngoài người dân trong xã, nhiều người dân ở các xã lân cận như: Trung Hội, Trung Lương, Bình Yên, Định Biên, Phúc Chu... cũng đến tham quan, mua sắm. Bà Phan Thị Hương, ở xóm Quán Vuông I, xã Trung Hội cho hay: Tôi biết Chương trình đưa hàng Việt về miền núi đang diễn ra ở xã Đồng Thịnh thông qua các pa-nô quảng cáo, trên hệ thống phát thanh lưu động. Vì đi lại rất gần nên chúng tôi đến đây tham quan và mua sắm. Tôi quan tâm nhiều đến các loại nước mắm, thực phẩm đóng hộp. Mua hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất hay đại lý phân phối chính thức, tôi thấy yên tâm hơn...
Chương trình đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức ở Đồng Thịnh có sự tham gia của 24 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với 37 gian hàng... Các loại hàng hóa đều được sản xuất trong nước với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú gồm các nhóm hàng: Giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đồ dùng gia đình, hàng công nghệ thực phẩm, văn phòng phẩm, sách, thiết bị đồ dùng học tập, hàng điện máy, điện tử, viễn thông, may mặc, da giầy...
Theo ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa hàng Việt về miền núi lần này đều có sự chuẩn bị chu đáo. Nhân viên bán hàng nhiệt tình, sẵn sàng giới thiệu và tư vấn cho người đến xem, mua hàng về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn bà con cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Do các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Chương trình đều được Ban Tổ chức hỗ trợ tiền thuê dựng gian hàng, phí vận chuyển hàng hóa, vệ sinh môi trường, điện, nước, nên giá bán tại đây thấp hơn so với thị trường. Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ cơ sở sản xuất giầy dép da cao cấp Hanh Tươi ở T.P Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn (thuộc gian hàng của Trung tâm xúc tiến thương mại - Sở Công thương Lạng Sơn) cho biết: Tham dự Chương trình lần này, chúng tôi giới thiệu với bà con các mặt hàng giầy, dép da HA-TIN do chính cơ sở sản xuất, đã được cấp nhãn hiệu độc quyền. Do đã có sự hỗ trợ về chi phí mặt bằng gian hàng, điện, nước nên sản phẩm của chúng tôi bán ra đều thấp hơn so với ngoài thị trường. Đơn cử như dép da nam do cơ sở sản xuất có giá bán ngoài thị trường từ 350 đến 380 nghìn đồng/đôi, tại đây bán ở mức 280 nghìn đồng/đôi.
Không chỉ thu hút khách hàng bằng thái độ phục vụ, các doanh nghiệp còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm do đơn vị cung ứng hoặc sản xuất, qua đó cũng mong muốn được kết nối với các cửa hàng bán lẻ, đại lý nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tiếp cận thị trường nông thôn, miền núi. Ông Ngô Cao Quảng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Sơn Luyến cho biết: Công ty được Sở Công thương chọn tham gia giới thiệu và cung ứng các sản phẩm phân bón, gạo cho bà con, chúng tôi đã giảm giá bán các sản phẩm từ 20 đến 30% so với giá bán ngoài thị trường, đồng thời tư vấn, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón sao cho hiệu quả nhất. Thông qua Chương trình này, chúng tôi cũng mong muốn sẽ kết nối được với các cửa hàng, đại lý, các hộ buôn bán nhỏ trong phân phối, cung ứng sản phẩm tới bà con.
Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để việc tổ chức Chương trình Đưa hàng Việt về miền núi đạt hiệu quả, chúng tôi đã kêu gọi và lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng Việt trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm chất lượng và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân ở miền núi. Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước quảng bá, giới thiệu chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, để từng bước khẳng định và tạo dựng uy tín với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích mọi người dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".