Giải pháp trước mắt đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS khi nguồn viện trợ cắt giảm

08:32, 08/06/2015

Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết thực hiện các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS của quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2015 đạt được mục tiêu "Ba không" đó là "Không còn người nhiễm mới HIV", "Không còn người tử vong do AIDS", "Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" và đến năm 2020 đạt được mục tiêu 90 x 90 x 90, đó là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục và 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam cần xác định có bao nhiêu người nhiễm HIV trong từng thời điểm; cần bao nhiêu kinh phí để thực hiện công tác điều trị, chưa kể đến nhu cầu về cán bộ y tế và cơ sở vật chất đáp ứng với nhu cầu tăng bệnh nhân hàng năm.

 

Một thuật toán đã được các nhà lập kế hoạch áp dụng để ước tính số người nhiễm HIV trong giai đoạn tới căn cứ vào các giả định như tỷ lệ nhiễm HIV ở các quần thể nguy cơ cao lây nhiễm HIV, giả định về độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Với mức tình hình dịch trung bình thì Việt Nam sẽ cần phải cung cấp ARV điều trị cho hơn 130 nghìn bệnh nhân vào năm 2016, tương tự là gần 160 nghìn vào năm 2017, hơn 180 nghìn vào năm 2018, gần 210 nghìn vào năm 2019 và hơn 220 nghìn bệnh nhân vào năm 2020. Nếu chúng ta mua thuốc với giá như hiện nay (mua sắm quốc tế với giá rẻ) và cam kết của các nhà tài trợ được thực hiện đúng thì đến năm 2016 chúng ta cần hơn 150 tỷ đồng cho mua thuốc ARV, tương tự như vậy là cần 220 tỷ đồng vào năm 2017, gần 760 tỷ đồng năm 2018, hơn 870 tỷ đồng năm 2019 và hơn 920 tỷ đồng năm 2020.

 

Trong bối cảnh nguồn viện trợ bị cắt giảm, Bộ Y tế đang đề xuất các giải pháp trước mắt đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS. Theo đó, Chính phủ cần có nguồn kinh phí đầu tư bền vững, tăng hàng năm từ ngân sách trung ương để mua thuốc ARV. Nguồn kinh phí này có thể thuộc nguồn Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên cần một tỷ trọng đủ lớn để đáp ứng thuốc ARV theo nhu cầu điều trị và căn cứ vào khả năng tài chính của từng địa phương. Với những tỉnh, thành phố có khả năng cân đối ngân sách, đề nghị địa phương đó bố trí đủ ngân sách cho điều trị bệnh nhân ở địa phương mình. Chính phủ chỉ hỗ trợ kinh phí cho những tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn.

 

Đồng thời, Việt Nam cần huy động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để các chi phí liên quan đến điều trị HIV/AIDS được thanh toán thông qua bảo hiểm y tế. Để thực hiện phương án này, các ngành liên quan cần có hướng dẫn chi tiết từ việc đấu thầu mua sắn thuốc ARV, danh mục thuốc hỗ trợ có bao gồm thuốc phác đồ bậc 2 hay không, đơn vị đầu mối thực hiện...

 

Phương án mua sắm tập trung cấp quốc gia qua đơn vị mua sắm trung gian quốc tế và đấu thầu rộng rãi quốc tế đang được Bộ Y tế tính đến đầu tiên. Phương án này sẽ giúp duy trì được hệ thống cung ứng thuốc tập trung đang được Bộ Y tế vận hành chuyên nghiệp hiện nay, giúp điều phối thuốc trên 364 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc ARV trên toàn quốc với số lượng bệnh nhân khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Điều phối tập trung thuốc ARV là cần thiết, tránh tình trạng thiếu thuốc và thuốc quá hạn, đảm bảo duy trì điều trị và chất lượng điều trị cho người bệnh. Mặt khác, phương án này mua thuốc khối lượng lớn sẽ giúp đàm phán với các nhà cung ứng để có giá thành cạnh tranh nhất. Ngoài ra, mua sắm tập trung cấp quốc gia giúp giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế và các nguồn kinh phí của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Mua sắm tập trung cấp quốc gia giúp cho Quỹ Bảo hiểm y tế kiểm soát giá thuốc một cách thống nhất giữa các tỉnh, thành phố và đảm bảo cung ứng đầy đủ chủng loại thuốc với chất lượng thuốc được đảm bảo cho các cơ sở điều trị có số lượng bệnh nhân điều trị ít.

 

Như đã biết, điều trị ARV là điều trị liên tục, suốt đời. Do vậy, việc cung ứng thuốc ARV cũng phải được thực hiện theo cách đặc biệt để đáp ứng với những đặc trưng của người bệnh. Việc thay thế nguồn tài trợ mua thuốc phải tính đến nhiều nguồn từ trung ương đến địa phương và theo một phương cách chi trả thống nhất trên toàn quốc để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp tục tiếp cận với điều trị ARV để sống khỏe mạnh, lâu dài và phòng lây nhiễm HIV sang người khác. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất giúp Việt Nam kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030./.