Góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội

09:51, 23/06/2015

Lần đầu tiên có Chương trình đưa hàng Việt về miền núi tổ chức tại xã Tân Đức (Phú Bình) nên trong những ngày diễn ra chương trình (từ 17 đến 20-6), bà con đã có mặt tham quan các gian hàng rất đông vui.

Bà Nguyễn Thị Tuấn, một người dân ở xóm Viên cho biết: Tôi chưa bao giờ được tham gia một Hội chợ nào như thế này ngay tại quê hương mình. Tôi thấy hàng hóa bày bán tại đây khá phong phú từ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đồ dùng gia đình, hàng điện tử, thiết bị - đồ dùng học học tập, công nghệ thực phẩm... đến các mặt hàng may mặc, giày da. Giá các mặt hàng, phù hợp với túi tiền của người nông dân.

 

Tổ chức lần đầu tiên tại xã Tân Đức nhưng đây lại là Chương trình đưa hàng Việt về miền núi cuối cùng được Sở Công Thương thực hiện trong năm nay. Trước đó, các chương trình đã được tổ chức tại Đồng Thịnh (Định Hóa), Tức Tranh (Phú Lương) và Bình Long (Võ Nhai). Theo ghi nhận của chúng tôi, tại 4 chương trình đưa hàng Việt về miền núi nêu trên, 100% các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Tại các chương trình không có tình trạng đánh bạc, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hàng hóa đa phần nằm trong chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Mẫu mã đa dạng, giá bán hợp lý nên các phiên chợ đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với người dân miền núi.

 

Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là Chương trình hành động cụ thể của ngành Công Thương phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động (được thực hiện từ năm 2009). Không chỉ tạo điều kiện cho người dân nông thôn, miền núi được tiếp cận với các mặt hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý, Chương trình này còn góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội...

Các chương trình đưa hàng Việt về miền núi không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực miền núi của tỉnh mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Cùng với đó người dân khu vực nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó còn có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia các chương trình này đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn, miền núi, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Bà Nguyễn Thị Động, xóm Quại, xã Tân Đức (Phú Bình) chia sẻ: Người dân chúng tôi rất ít khi được mua các loại hàng hóa sản xuất trong nước. Có phiên chợ đưa hàng Việt tại đây là cơ hội để mọi người chọn mua các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và yên tâm hơn khi sử dụng. Chúng tôi mong sẽ có nhiều chương trình như thế này được tổ chức tại các vùng nông thôn, miền núi để nông dân chúng tôi được mua các mặt hàng đảm bảo chất lượng.

 

Theo bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), để đạt được kết quả trên, trước khi tổ chức các chương trình, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ. Đặc biệt, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã phối hợp, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát không để lọt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tham gia vào các chương trình đưa hàng Việt về miền núi. Một điều đáng nói nữa là do không đặt mục tiêu về thương mại, lợi nhuận lên trên hết nên các doanh nghiệp tham gia vào chương trình đã phục vụ người dân với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, một số doanh nghiệp còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, tặng quà gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các địa phương... Nhân dịp này, sở Công Thương và công đoàn ngành Công Thương cũng đã tặng xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình; tặng quà gia đình chính sách huyện Định Hóa.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song để những Chương trình đưa hàng Việt về miền núi của tỉnh đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng nên để thời gian diễn ra chương trình dài hơn; địa điểm tổ chức nên đặt tại các chợ của xã thay vì đặt tại các trường học như vừa qua. Đặc biệt, cần quản lý việc thu tiền trông xe ô tô, xe máy, xe đạp ở một số nơi, tránh để trường hợp tự ý tăng giá vé trông các loại xe hoặc thu không đúng đối tượng...