Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) là một bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao (hơn 38%).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay đã có 1.154 trường hợp nhiễm bệnh và 434 người tử vong. Virus chết người này có thể vào Việt Nam bất cứ lúc nào do sự giao lưu đi lại giữa các nước có dịch như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xeút… là rất lớn.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, MERS-CoV hay còn gọi là hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông có biểu hiện chính của bệnh là các triệu chứng ho, khó thở, sốt, viêm phổi cấp tính thể nặng, một số trường hợp có suy gan, suy thận và tử vong. Trước đây, lạc đà được coi là nguồn gốc chính dẫn đến căn bệnh này, nhưng hiện thì nguy cơ lây từ người sang người còn cao hơn do có đến 75% ca nhiễm bệnh gần đây là lây thứ phát. So với bệnh SARS, MERS-CoV có biểu hiện bệnh rất giống, cũng bắt nguồn từ động vật, cũng có tỷ lệ tử vong cao, cũng lây qua đường hô hấp nhưng tốc độ lây lan MERS-CoV có chậm hơn.
Hiện nay không chỉ có ở các nước khu vực Trung Đông ghi nhận ca bệnh mà nó đã xuất hiện ở 26 quốc gia khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á đặc biệt là Hàn Quốc. Tính đến chiều 4-6, Hàn Quốc đã ghi nhận 35 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó hai người đã tử vong. Tại Trung Quốc cũng có một người mắc MERS-CoV, đây chính là trường hợp mắc ở Hàn Quốc lây sang.
Trước tình hình MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các địa phương trong các nước và các bộ, ngành, cơ sở y tế liên quan yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để thông báo kịp thời, tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lây truyền và phương pháp phòng chống dịch của MERS-CoV cho người dân biết. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập, theo dõi việc cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc MERS-CoV tại các cửa khẩu, địa phương…
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do MERS-CoV. Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Mặc dù vậy, nước ta đã có đầy đủ các phòng xét nghiệm để phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời cũng có kinh nghiệm trong điều trị bệnh SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Rút kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh để có thể phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập đầu tiên. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện để tránh lây lan cho cộng đồng. Chúng tôi cho rằng nguy cơ lớn nhất khả năng dịch đến từ Hàn Quốc xâm nhập chứ không phải từ Trung Đông. Bởi vì việc giao lưu, lượng người qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất lớn. Trong đó Thái Nguyên với khu công nghiệp Yên Bình bao gồm công ty Samsung với hàng loạt các công ty vệ tinh chủ yếu của Hàn Quốc và Trung Quốc thường xuyên có sự giao lưu qua lại. Riêng với Thái Nguyên, ngay từ đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh do Mers CoV, tuy nhiên trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, chúng tôi cũng sẽ xây dựng kế hoạch riêng để phòng chống MERS-CoV triển khai tới tất cả các huyện, thành, thị và các cơ sở y tế trên địa bàn nhằm đáp ứng một cách tốt nhất, nhanh và hiệu quả đối với dịch bệnh.
Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh MERS-CoV nhưng các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã có những phương án phòng chống dịch bệnh được triển khai từ đầu năm, trong đó có những phương án ứng phó với bệnh dịch mới. Thạc sĩ Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Mỗi năm, chúng tôi đều lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh tổng quan vào đầu năm, trong đó phân rõ khu vực cách ly điều trị, phân công cho từng bộ phận, khoa, phòng cụ thể khi có dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng chống dịch, ứng phó với trường hợp người bệnh tăng đột biến do dịch, thiên tai… Mặc dù vậy, chúng tôi cũng sẽ sớm ban hành kế hoạch riêng phòng chống dịch bệnh MERS-CoV để cập nhật kiến thức cho các cán bộ y tế đồng thời, phân công công việc cụ thể dựa vào những đặc trưng của MERS-CoV.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường cũng cho biết thêm: Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38 độ C kèm ho, khó thở, tổn thương nhu mô phổi… Tuy vậy, vẫn có tới gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên rất khó chẩn đoán. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 14 ngày, các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Bệnh lây trực tiếp từ người qua người nên nếu xuất hiện ca bệnh thì khả năng lây lan virus ra cộng đồng sẽ rất lớn. Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn suy hô hấp nặng thì diễn tiến bệnh rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng. Người dân đặc biệt không nên chủ quan với MERS-CoV.
Để phòng, tránh bệnh MERS-CoV, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, người dân cần chủ động giữ vệ sinh cơ thể; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đúng cách; che mũi, miệng bằng khăn giấy khi ho, chảy mũi sau đó bỏ vào thùng rác; không dùng bàn tay chưa rửa sạch chạm vào vùng mặt đặc biệt là mắt, mũi, miệng; tránh tiếp xúc với người bệnh; thường xuyên lau chùi những vật dụng có nhiều người tiếp xúc như: tay nắm cửa, vịn cầu thang, các bề mặt…; khi không có việc cần thiết, tuyệt đối không nên đi đến những nơi đông người, đang có dịch lây lan.