Nhân lên những giọt máu hồng

09:28, 24/06/2015

  Tôi biết bác sĩ Hà Nguyệt Phương (ở tổ 8, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên) từ khi bà còn làm Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Các đồng nghiệp của bà giới thiệu đây là người đặt nền móng cho phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh. Họ nói về bà với lòng cảm phục, sự kính nể. Chính điều đó khiến tôi muốn viết bài về bà.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết năm 2005 là năm đầu tiên việc vận động hiến máu tình nguyện được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ. Với vai trò là Trưởng ban bảo vệ sức khỏe của Hội Chữ thập đỏ bác sĩ Hà Nguyệt Phương rất lo lắng. Đối tượng đầu tiên bà nghĩ đến là lực lượng sinh viên trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, khát khao cống hiến. Bà hẹn lịch làm việc với Ban Giám hiệu một số trường học trên địa bàn với hy vọng sẽ vận động đoàn thanh niên vào cuộc. Trước khi bắt tay vào làm bà đã rất kỳ vọng nhưng khi thực sự vào cuộc bà chỉ nhận được thái độ  thờ ơ, thậm chí có phần ngờ vực của nhiều người. Bác sĩ Phương nhớ lại: Lần hẹn gặp Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch, thầy Hiệu trưởng nói chỉ có thời gian tiếp tôi 15 phút. Trước khi đi tôi chuẩn bị đầy đủ giấy giới thiệu của cơ quan, thẻ công chức, các văn bản hướng dẫn… Câu đầu tiên thầy bảo tôi rằng, tôi không biết chị là ai, tôi cũng từng nghe những trường hợp người ta vận động hiến máu rồi sau đó mang bán lấy tiền. Tôi đã nói với thầy, bản thân mình là một bác sĩ, hơn ai hết tôi hiểu giá trị của từng giọt máu, đó không chỉ là biểu hiện của sự sống mà những giọt máu nhân đạo còn có ý nghĩa tiếp sức cho sự sống… Thật may mắn, hôm đó thầy đã dần thay đổi thái độ, nghe tôi nói trong vòng 2 tiếng thay vì 15 phút như dự định ban đầu. Kết quả, Nhà trường đã đã cho phép Đoàn Thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện đều dặn từ năm 2006 đến nay.

 

Nỗ lực là vậy nhưng năm đầu tiên phong trào mới nhận được sự hưởng ứng của 200 sinh viên. Số máu thu được là 134 đơn vị, quá ít so với nhu cầu của các bệnh viện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà quyết định tập trung nhiều hơn vào vận động những người trẻ tuổi. Từ một vài sinh viên tình nguyện, bà làm quen với bạn bè của họ. Bà bắt đầu những buối tối đi chơi trong ký túc xá của sinh viên, ngồi uống trà đá, đi chợ, nấu ăn cùng họ. Chẳng bao lâu bà đã quen biết với rất đông sinh viên ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Bà có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để nghe các sinh tâm sự chuyện học hành, gia đình và cả tình yêu, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích. Và trong mỗi lần gặp gỡ như vậy, bà đều biết cách hướng câu chuyện đến chủ đề “hiến máu cứu người”.

 

Cũng là tuyên truyền, vận động nhưng bác sĩ Hà Nguyệt Phương luôn có cách làm rất linh hoạt. Mỗi khi các tình nguyện viên hoặc Đoàn Thanh niên các trường tổ chức các buổi sinh hoạt về hiến máu tình nguyện, bác sĩ Phương đều đến tham gia. Nhiệt tâm của bà đã truyền sang cậu con trai lớn Lăng Mạnh Hùng, sinh năm 1990. Em đề nghị mẹ cho mình tham gia các buổi hiến máu. Còn nhớ sự việc sập nhà thờ giáo họ ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) có nhiều nhiều bị thương phải vào viện. Biết được thông tin, Hùng vội đến bệnh viện cùng một số tình nguyện viên khác sẵn sàng tiếp máu bệnh nhân. Mặc dù em mới cho máu cách đó 13 ngày. Người dân ở khu phố nơi gia đình bác sĩ Phương sống cũng như các khu ký túc xá sinh viên không còn xa lạ với hình ảnh mẹ con bà Phương trên chiếc xe Dream đi vận động hiến máu cứu người.

 

Những nỗ lực của bà phần nào được đền đáp khi một nhóm sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính “ngấm” dần tư tưởng “mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” đứng ra thành lập được câu lạc bộ (CLB) Thamh niên hiến máu tình nguyện, mặc dù ngày đầu chỉ có 17 thành viên. Bà trang bị cho thành viên CLB những kỹ năng tuyên truyền, vận động người khác ủng hộ, tham gia hoạt động hiến máu. Mỗi khi CLB có thành viên mới hoặc có người muốn tìm hiểu hoạt động, bác sĩ Phương đều sắp xếp thời gian tham gia sinh hoạt, cùng tuyên truyền.

 

Vượt qua những khó khăn ban đầu, phong trào đã nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo, chính quyền và cán bộ công chức ở các huyện, thành thị, các nhà máy, đơn vị sản xuất… Lượng máu nguyện tăng dần qua các năm. Năm 2007, tỉnh ta thu dược 1.664 đơn vị; năm 2008 là 1.780 đơn vị; năm 2009 thu được 3.300 đơn vị…và đến năm 2014, toàn tỉnh đã thu được 14.500 đơn vị máu. CLB Thanh niên hiến máu tình nguyện cũng tăng lên trên 700 thành viên. Ngay cả hiện nay, khi đã về nghỉ hưu, không còn là người đại diện cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai phong trào nhưng có thời gian rảnh rỗi, bác sĩ Hà Nguyệt Phương vẫn tham gia sinh hoạt cùng CLB, vận động mọi người hiến máu…

 

Nhìn lại chặng đường đi qua, bác sĩ Hà Nguyệt Phương bảo: Tôi sẽ chẳng thể làm được gì nếu không có các tình nguyện viên. Chính sự tin tưởng và nhiệt huyết tuổi trẻ của các em đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, sự kiên trì để khơi dậy trách nhiệm với cộng đồng trong mỗi con người. Nếu ai đó cho rằng tôi “hâm” khi già rồi còn “chơi với trẻ con” thì tôi lại thấy rằng mình may mắn. Tôi hạnh phúc vì bên cạnh luôn có mấy trăm người bạn để tâm tình và quan trọng hơn, dòng máu nóng của các em, của những cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại sự sống cho nhiều người, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.