Thận trọng khi mua hàng tại nhà văn hóa xóm

16:00, 26/06/2015

Thời gian gần đây, trên địa bàn T.P Thái Nguyên tình trạng bán hàng cho người dân ngay tại nhà văn hóa xóm, tổ dân phố ngày càng trở nên phổ biến.

Với chiêu thức “khuyến mại giảm giá” hoặc “lấy hàng cũ đổi hàng mới”…, không ít người đã và đang mua phải những món hàng có giá cao hơn trên thị trường rất nhiều.

 

Sáng thứ 5 tuần trước, khi đang quét dọn ở ngoài cổng, chị H. thấy nhiều chị em trong xóm tấp nập mang theo những chiếc quạt và nồi cơm điện cũ đi về phía nhà văn hóa. Thấy lạ, chị Hoa liền hỏi thăm thì được cho biết: Theo nội dung giấy mời mà đồng chí tổ trưởng tổ dân phố đưa cho, có một công ty về xóm để đổi quạt và nồi cơm điện cũ để lấy đồ mới. Khi mang theo giấy mời sẽ được nhận 1 phần quà. Nghe vậy, chị H. tò mò chạy ra xem thực hư thế nào.

 

Rất đông người đã có mặt tại nhà văn hóa. Hầu như ai cũng mang theo quạt và nồi cơm điện cũ, hỏng. Mỗi tờ giấy mời được “Công ty” tặng 1 bánh xà phòng. Theo quy định, để đổi lấy quạt mới, người đổi phải có 1 chiếc quạt cũ và các thêm 260 nghìn đồng, còn nồi cơm điện thì cũng phải có nồi cơm điện cũ và các thêm 800 nghìn đồng. Người của Công ty cho biết, việc đổi cũ lấy mới này rất có lợi cho người dân, vì mỗi chiếc quạt mà họ đang đổi hiện có giá 360 nghìn đồng, còn nồi cơm điện là 1 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang mua lại mỗi chiếc quạt điện cũ 100 nghìn đồng, nồi cơm điện 200 nghìn đồng. Nghe giới thiệu, nhiều người cho rằng chẳng mấy khi có được cơ hội tốt như thế nên trong nhà có bao nhiêu quạt cũ, nồi hỏng, thậm chí là chưa hỏng nhưng do lỗi mốt đều mang ra đổi. Có nhà đổi tới 4 chiếc quạt. Có người thậm chí còn “nói khó” với Công ty để không có quạt cũ mà vẫn chỉ phải trả 260 nghìn đồng cho 1 chiếc quạt mới. Để tạo lòng tin với bà con, mỗi sản phẩm đều có 1 phiếu bảo hành. Chỉ có điều trên phiếu đó không ghi các thông số có liên quan đến quạt, mà chỉ ghi số điện thoại của 2 người nào đó.

 

Quan sát 1 vòng, điều mà chị H. nhận thấy là hầu hết người mang quạt đi đổi là phụ nữ, ở độ tuổi trên dưới 50. Chỉ trong vòng nửa buổi sáng, người dân đã đổi tới vài chục chiếc quạt và hàng chục nồi cơm điện. Nghi ngờ về sự “tốt bụng” khó tin của Công ty này, chị H. đã mượn chiếc quạt của chị cạnh nhà để mang đi “khảo giá”. Theo một số chủ cửa hàng điện tử, điện lạnh, nhãn hiệu quạt này chưa thấy xuất hiện trên thị trường Thái Nguyên. Với dáng quạt nhỏ và nhìn qua về mẫu mã, thì mức giá đó được cho là đắt, đó là chưa kể đến việc người dân phải các thêm quạt cũ.

 

Mang câu chuyện này kể với một chị đồng nghiệp tên Hương làm cùng cơ quan, chị H. được nghe câu chuyện tương tự. Mới đây, ở xóm chị Hương cũng có một Công ty ở Hà Nội (họ tự giới thiệu) đến tư vấn và bán sản phẩm chảo đa năng. Sau khi trực tiếp xem phần trình diễn nấu, rán, nướng, xào… của họ đối với chiếc chảo, rất nhiều người đã đồng ý mua với giá mà họ đưa ra là 1,3 triệu đồng. Dùng được 2-3 ngày, nhiều chị thấy chiếc chảo không tốt như hôm giới thiệu nên đã mang đến nhà nhau để đọ. Các chị phát hiện chỉ có một số ít là đúng với hàng mẫu, còn phần nhiều là có kiểu dáng na ná. Mang cả 2 loại chảo đi hỏi thì các chị mới vỡ lẽ loại chảo tốt trên thị trường chỉ bán với giá 900 nghìn đồng, còn loại kia là 600 nghìn đồng.

 

Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều các điểm bán hàng di động tại nhà văn hóa xóm (nơi vốn không phải  dành cho việc mua - bán). Để người dân cảm thấy yên tâm hơn, họ thường nhờ đến sự giúp đỡ trực tiếp của các tổ trưởng tổ dân phố trong việc gửi giấy mời. Do đánh trúng tâm lý thích mua hàng khuyến mại, giảm giá hoặc đổi cũ lấy mới cùng nhiều phần quà hấp dẫn, bốc thăm trúng thưởng… nên đã thu hút được sự tham gia của khá nhiều người, nhất là phụ nữ trung niên - những người dễ tin, ít có điều kiện kiểm chứng thông tin.

 

Qua bài viết này chúng tôi mong rằng cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc mua - bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như lai lịch của những người bán sản phẩm. Đối với các trưởng xóm, bí thư chi bộ không nên quá tin vào những lời giới thiệu của các đối tượng này để vô tình hoặc cố tình “tiếp tay” trong việc tổ chức bán hàng không có lợi cho người dân. Qua các trường hợp bán hàng kể trên, hy vọng mỗi người sẽ tự rút ra một kinh nghiệm nào đó trong việc mua - bán của bản thân.