Dù là nhà báo chuyên hoặc không chuyên nghiệp, nhưng mỗi tác phẩm báo chí được đăng tải luôn thể hiện sự lao động tận tâm và góc nhìn nhận sắc sảo của người viết.
Lắng đọng sau mỗi trang viết ấy, chính là cái tâm, tầm và trách nhiệm xã hội của những người làm báo trước những vận động của cuộc sống và các vấn đề của xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Thái Nguyên xin giới thiệu tâm sự nghề nghiệp của một số tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn.
Trách nhiệm trước cộng đồng
Nhà báo Nguyễn Thu Hằng (Báo Thái Nguyên)
Là nhà báo viết về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lúc nào nhà báo Thu Hằng cũng đau đáu một suy nghĩ: Chính sách tín dụng của các ngân hàng phần lớn đều hướng đến đối tượng hộ nghèo, góp phần giúp các đơn vị, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đem lại lợi nhuận cho xã hội, tạo việc làm ổn định cho người lao động và sâu xa hơn là bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng dư vốn và thủ tục vay đơn giản, với mức lãi suất hợp lý, thì ở các cửa hàng cầm đồ vẫn diễn ra tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, thu hút khá nhiều người đến vay. Phải chăng vốn tín dụng của Nhà nước đến với nhân dân còn có rào cản? “Tín dụng đen” có thực sự lành mạnh theo nghĩa “hỗ trợ tín dụng”, hay là một hình thức kinh doanh bất hợp pháp? Qua quá trình thực tế, nhà báo Thu Hằng nhận thấy những khuất tất xung quanh hoạt động “tín dụng đen” này. Đó là: Xe máy, ô tô, điện thoại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bản thân và của người khác, rồi cả bằng đại học, thẻ sinh viên… đều có thể mang đi “cắm” để vay tiền “nóng”. Lãi mẹ đẻ lãi con quá nhanh nên nhiều người mất khả năng trả nợ. Không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra xung quanh việc cho vay nặng lãi: Người thì bị đuổi học, người thì mất nhà, mất việc, thậm chí là xảy ra cả án mạng…
Trong vai người cần tiền phải đi vay, nhà báo Thu Hằng đã tiếp cận với hàng chục cửa hàng cầm đồ, cho vay và tác giả đã có loạt bài viết xung quanh vấn đề cho vay nặng lãi. Khi bài báo được đăng tải lập tức nhận được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh và có sự chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, tạo dựng niềm tin trong cộng đồng xã hội…
Lắng nghe và cảm nhận những vận động của cuộc sống
Nhà báo Trần Nguyên (Báo Thái Nguyên)
Để ý hơn một chút, quan tâm hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút, chia sẻ nhiều hơn một chút và luôn có sự khách quan là cách khai thác, tìm đề tài cho mỗi bài viết của nhà báo Trần Nguyên. Mỗi nhân vật, vấn đề trong bài viết của tác giả đều được thể hiện một cách mộc mạc, chân thực nhưng lại điển hình, góp phần mang đến cho độc giả những chuyển động của cuộc sống hàng ngày, mang tính thời sự và luôn mới mẻ. “Xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên núi” là một trong những tác phẩm được nhà báo “gom nhặt” hình tượng, nhân vật và sự việc trong quá trình tác nghiệp tại xã vùng cao Văn Lăng (Đồng Hỷ). Từ góc nhìn “nhiếp ảnh” về người thầy kiêm “thợ sửa chữa” máy tính phục vụ dạy học, nhà báo đã phát hiện cả một thành tích ấn tượng của tập thể cán bộ, giáo viên ở một ngôi trường trên núi cao, khi tất cả đồng tâm dồn sức để xây dựng nơi đây thành một môi trường giáo dục đạt chuẩn Quốc gia bằng nghị lực, bằng cả cái tâm của người giáo viên vùng cao. Một vai hai gánh vừa làm thợ, vừa làm thầy, các thầy, cô giáo nơi đây đã tự tay xẻ núi, bạt đồi, gom nhặt từng chi tiết máy tính, ti vi cũ thải để sửa chữa, cải tạo lại thành thiết bị dạy học. Và những em học sinh dân tộc Mông, Dao, Sán Chí, Cao Lan… ở đây đã được tiếp cận với những công nghệ học tập hiện đại, từ đó đạt những thành tích vượt trội trong quá trình học tập, rèn luyện để mai này cống hiến được nhiều hơn cho đất nước, bản làng...
Trăn trở, say mê, sáng tạo và nghiêm túc với nghề
Nhà báo Đỗ Thu Hiền (Đài PT-TH Thái Nguyên)
Tôi rất tâm đắc khi có một nhà báo lão thành nói rằng: Điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp chưa hẳn đã tạo nên những tác phẩm báo chí hay, những nhà báo giỏi mà điều đó còn phụ thuộc vào sự rèn luyện, sự say nghề, tích cực tìm tòi và phát hiện của mỗi nhà báo. Theo tôi, đó chính là những yếu tố cần thiết đối với mỗi nhà báo trong bất cứ giai đoạn nào. Tôi đã vinh dự có 2 lần được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia với tác phẩm “Dự án… hiệu quả… hậu quả” và tác phẩm “Sai phạm trong xây nhà 167 tại Yên Lạc - Phú Lương”. Đặc biệt, tác phẩm “Nhận thức cũ - khó xây dựng nông thôn mới” của tôi và phóng viên Mạnh Nghịnh đã vinh dự đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2012.
Nếu nói về kinh nghiệm thì thật khó bởi mỗi bài báo là một câu chuyện về cuộc sống mà cuộc sống thì luôn thay đổi. Chỉ có điều khi tham dự Giải Báo chí Quốc gia thì điều đầu tiên tôi quan tâm đó là khâu chọn đề tài. Đó có thể là những vấn đề không lớn nhưng lại là câu chuyện chung, không riêng ở địa phương nào. Tiếp đó là chúng tôi quan tâm đến cách thể hiện tác phẩm sao cho chắc về nghiệp vụ, lời bình sâu sắc và phong phú về hình ảnh. Ngoài các yếu tố trên thì cần có sự trăn trở, say mê, sáng tạo và nghiêm túc với nghề, đặc biệt phải có sự đầu tư về trí tuệ và thời gian của các tác giả thì tác phẩm đó mới có thể đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Nữ phóng viên luôn tìm cách thể hiện mới
Lã Thị Hương Mai (phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình T.P Thái Nguyên)
Lã Thị Hương Mai, được thính giả nghe đài biết đến bằng những tác phẩm báo chí gần gũi, chân thực. Chị viết ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có thiên hướng và bút pháp sâu sắc hơn về thể loại chân dung người tốt, việc tốt. Chị có góc nhìn riêng, độc đáo, hấp dẫn và luôn tìm cách thể hiện mới, không trùng lặp với chính mình. Những tác phẩm của chị thấm đẫm chất thực tế nên luôn có hồn, tạo sự hấp dẫn với thính giả. Điển hình như tác phẩm “Họ đã đến với Trường Sa”. Để thực hiện tác phẩm này, chị đã gặp gỡ, trao đổi với những người con của quê hương Thái Nguyên cùng đồng đội vượt bao sóng gió, không nề hà hy sinh, gian khổ đến làm nhiệm vụ nơi phên dậu cực Đông của Tổ quốc. Tác phẩm đã chuyển tải đến thính giả một số thông điệp về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thông qua đó thính giả thêm hiểu, cảm thông và sẻ chia với những gian nan, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời quê hương. Tác phẩm được lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp và đông đảo thính giả đánh giá cao. 10 năm làm nghề, lặng lẽ đi, gầm ghì viết, bền bỉ như con tằm nhả tơ, năm nào chị cũng có tác phẩm báo chí chất lượng cao, được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trao giải báo chí...
Thực tế, “cây đời mãi xanh tươi”
Nguyễn Hồng Nhung (Phóng viên Đài Truyền thanh huyện Phú Lương)
Dấn thân vào thực tế, tự trải nghiệm với thực tế là cách làm việc của nữ phóng viên trẻ Nguyễn Hồng Nhung. Với chị, niềm vui là được sống trong sự kiện, sự việc và được hòa nhập với cuộc sống đời thường. Hằng ngày, công việc kéo chị ra khỏi nhà. Chị hăng hái, lăn xả, chẳng nề hà phận nữ nhi, sẵn sàng đi thực tế cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để theo đuổi đề tài được thính giả quan tâm. Làm nghề, chị đi nhiều, trong cuốn sổ tay ngoài những con số, số liệu cụ thể còn dày đặc những câu chuyện rất đời thường. Mỗi câu chuyện được chị ghi chép lại cẩn thận theo trình tự ngày, tháng, giống như cuốn nhật ký cá nhân. Nhiều đề tài báo chí hấp dẫn được phát hiện khi chị đang thực tế ở những vùng đất nghèo của huyện. Điển hình như đề tài về một cụ già người dân tộc Sán Chay, ở xóm Đồng Tâm (xã Tức Tranh) tự mở lớp dạy tiếng dân tộc mình cho con em trong bản. Khi ấy, lòng chị như vỡ òa niềm bởi xúc động trước nhân vật. Và chị đã thể hiện thành công nhân vật này bằng bài viết “Người góp phần lưu giữ ngôn ngữ và chữ viết dân tộc Sán Chay”, đoạt giải Ba cuộc thi báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Thái Nguyên tổ chức…
Góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân
Cộng tác viên Triệu Huấn (Công an tỉnh)
Năm 2014, cộng tác viên Triệu Huấn tham gia cuộc thi báo viết về chủ đề “Vì an toàn giao thông Thái Nguyên” do Báo Thái Nguyên, Ban An toàn giao thông tỉnh và Công an tỉnh tổ chức. Với tác phẩm “Chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông - Hành vi không thể dung thứ”, anh đã đoạt giải A. Là cây viết không chuyên, nhưng với cảm quan của mình về các vấn đề xã hội, anh đã đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng, khai thác tư liệu từ phía các cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ và những đối tượng vi phạm pháp luật để có thể đưa ra những luận giải khách quan nhất trong tác phẩm báo chí của mình. Thông điệp của bài viết mang đến đó là mong muốn người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có sự sẻ chia, đồng thuận và hợp tác với lực lượng chức năng khi giải quyết công việc. Đồng thời, các lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên có sự chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc điều lệnh Công an Nhân dân, chấp hành tốt quy trình tuần tra, kiểm soát, xây dựng lối sống, tác phong, văn hoá giao tiếp, ứng xử đúng mực vì nhân dân phục vụ. Bài báo đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và tạo được dư luận tốt trong xã hội…
Sẻ chia với người dân vùng sâu, vùng xa
Cộng tác viên Lưu Phượng
Từ khi còn là sinh viên học chuyên ngành Báo chí, cộng tác viên Lưu Phượng đã đặc biệt quan tâm đến đề tài cuộc sống của những người dân ở các xóm bản vùng sâu, vùng xa. Bởi chị luôn mong muốn dùng ngòi bút của mình để chuyển tải những thông tin về cuộc sống khó khăn của đồng bào đến với nhiều người và góp phần huy động nguồn lực giúp đỡ bà con.
Trong một lần đến với bản người Dao Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai), vượt hàng chục cây số đường rừng, chị đã thấm thía được nỗi khó khăn, vất vả của bà con ở một xóm “5 không”: Không điện, không chợ, không có sóng điện thoại, đường giao thông không thuận tiện và một nửa bản không có ruộng canh rác. Từ đó, bài báo “Cheo leo Thượng Kim” đã ra đời. Bài báo phản ánh việc người dân xóm Thượng Kim vẫn đang phải sống trong cảnh không có điện, thiếu ruộng đất canh tác, cơ sở vật chất của điểm trường còn nhiều khó khăn… khiến cái nghèo luôn bám riết, bủa vây. Bài viết đã nhận được sự đồng cảm của độc giả, góp tiếng nói trong việc tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo cũng như con đường tìm chữ của trẻ em nơi đây.