Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, trên địa bàn huyện Đại Từ có 3.958 đối tượng chính sách. Trong đó có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, 739 thương binh, 240 bệnh binh, 587 thân nhân liệt sĩ, 1.982 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hoá học…
Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng đúng quy định, huyện Đại Từ đã phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, hướng dẫn các tổ chức nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đối tượng người có công với cách mạng không nơi nương tựa. Các tổ chức đoàn thể xã hội huyện, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vì vậy người dân luôn nêu cao ý thức, tích cực đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương. Năm 2013, 2014, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện luôn đạt trên 460 triệu đồng, bằng 192% kế hoạch. Từ nguồn quỹ này, huyện đã hỗ trợ xây mới, tu sửa, nâng cấp nhà ở cho các đối tượng người có công; xây mới, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ các xã, thị trấn; thăm hỏi gia đình chính sách dịp 27-7 và dịp Tết Nguyên đán. Riêng năm 2014, huyện đã chỉ đạo hỗ trợ xây mới 3 nhà, sửa chữa 5 nhà tình nghĩa, tu sửa 8 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số tiền 710 triệu đồng. Đồng thời, huyện tổ chức cho 473 đối tượng đi điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng Người có công của tỉnh; Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tỉnh; Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh và tổ chức điều dưỡng tại gia đình cho 381 đối tượng.
Ông Vũ Văn Bình, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Những năm qua, phong trào Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Đại Từ đã trở thành một phong trào sâu rộng, được nhân dân tích cực ủng hộ và có hiệu quả thiết thực. Cùng với hoạt động thăm hỏi, tặng quà thường niên của chính quyền huyện, xã, thị trấn, nhiều tổ chức, cá nhân cũng bày tỏ lòng biết ơn người có công bằng các hoạt động ý nghĩa khác.
Trong lần đi tặng quà cùng sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhân ngày Thương binh Liệt sĩ gần đây, chúng tôi có dịp được gặp ông Đinh Quang Thọ ở xóm Na Pài, xã Phúc Lương (Đại Từ), là thương binh 81%. Ông Thọ cho biết: Tôi nhập ngũ năm 1967, trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tôi bị thương sọ não phải cắt một phần hộp sọ. Sau đó, tôi bị giam, tra tấn ở nhà tù Phú Quốc, đến năm 1973 mới được trả tự do. Về địa phương, sức khoẻ yếu, vết thương liên tục tái phát nên kinh tế gia đình khó khăn, tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội giúp đỡ phương thức làm ăn, cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó kinh tế gia đình dần ổn định. Gia đình tôi cũng đã được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa vào năm 2001. Trong dịp 27-7 này, được các cấp chính quyền quan tâm tặng quà tôi thấy rất phấn khởi, tự hứa phải cố gắng hơn nữa, bảo ban con cháu chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Dịp 27-7 năm nay, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, những ngày vừa qua, huyện Đại Từ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đó là đi thăm, tặng 27 suất quà, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng cho đối tượng là Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công tiêu biểu; UBND các xã, thị trấn tặng quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học… Ngoài ra, huyện còn tổ chức đặt vòng hoa viếng Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại khu di tích lịch sử 27-7; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.