Anh nằm lại với cát mềm nắng lửa

10:44, 15/07/2015

  Đường Trường Sơn, con đường trải đầy máu lửa và hoa. Con đường một thời hứng chịu sự tàn phá ác liệt của bom đạn giặc. Những dấu tích đạn bom đã bị lấp vùi bởi thời gian, nhưng có một nỗi đau mất mát không bao giờ nguôi quên của cả dân tộc, đó là sự hy sinh của bao người con trên mọi miền Tổ quốc. Các anh đã nằm lại nơi này, bên con đường Trường Sơn rợp tiếng thông reo.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng ở khu vực bến Tắt, bên Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang có diện tích 140.000m2, gồm 3 quả đồi kề thượng nguồn dòng sông Bến Hải. Nhìn từng mộ chí đều đặn, xắp hàng thẳng tắp, tôi bùi ngùi nuối thương những người mẹ Việt Nam tiễn con lên đường, để ngày đất nước toàn thắng, lại mỏi mòn chờ trông trong vô vọng. Các anh nằm lại nơi này, cùng bao đồng đội hòa tuổi mười tám, đôi mươi của mình vào lòng đất.

 

Bên Nhà tưởng niệm liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn), anh Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên bùi ngùi cho biết: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Thái Nguyên có gần 10.000 người con hóa thân vào sông núi, riêng ở khu vực nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn có gần 300 liệt sĩ. Giây lát dừng lời nén nguồn cảm xúc, anh nói với chúng tôi, thì thầm như nói với vong linh các liệt sĩ: Tỉnh Thái Nguyên tự hào là nơi cán bộ, nhân dân nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta, ngày 27-7-1947. Trong suốt 68 năm qua, tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp là các thế hệ đội ngũ những cán bộ, viên chức làm công tác lao động, thương binh và xã hội luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các thân nhân liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, những người có công với đất nước.

 

Các liệt sĩ nằm đây với cát mềm, nắng lửa, yên lòng với tiếng ru của gió ngàn thông. Bởi người thân của các anh nơi quê nhà đã có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thường xuyên quan tâm, thăm nom giúp đỡ. Điều ấy thể hiện bằng gói quà ngày Tết, lễ, ngày giỗ chạp, giá trị không nhiều, nhưng lớn hơn là lòng tri ân của các thế hệ đối với người có công với đất nước. Trong Nghĩa trang, tiếng chuông đều đều được thỉnh lên khi có đoàn người đến viếng. Linh thiêng vô hạn, tiếng chuông ấy của cháu con trên mọi miền đất nước, cùng về đây để thắp cho ông, bà; cho cha, mẹ; cho anh, chị và cho vong linh bao liệt sĩ một nén trầm, lòng thảo thơm, kính xin tạc lòng, khắc nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ đã vì Tổ quốc quyết sinh.

 

Chúng tôi lặng lẽ đi theo dọc hàng mộ chí, đọc dòng tên anh khắc vào đá núi, kính cẩn thắp nén tâm nhang. Khi ấy, anh Nguyễn Văn Mão, Phó Giám Đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, một trong những cán bộ từng nhiều năm gắn bó với công tác “Người có công”. Do đặc thù công việc, nên anh trực tiếp vào các nghĩa trang liệt sĩ bên đường Trường Sơn, để lo chuyện khói hương cho những người con ưu tú của Thái Nguyên đã nằm lại không về. Anh nhắc nhẹ với chúng tôi rằng: Anh, chị, em cố gắng làm như thế nào đó để có đủ hương cắm lên mộ chí của liệt sĩ Thái Nguyên và đồng đội, thiếu là có lỗi với anh linh các Anh hùng liệt sĩ đang nằm đây.

 

Vâng! Các anh nằm lại đây, xa quê nhà, nhưng luôn ấm khói hương và lòng kính trọng của con dân trên mọi miền đất nước. Trong dáng chiều tím đỏ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có người mẹ già, lưng còng đang lặng lẽ cắm lên từng mộ phần nén trầm thơm, tựa người mẹ năm xưa chia cho các con nắm cơm trước lúc bước vào trận đánh. Vừa làm nghĩa cử ấy, mẹ vừa kể cho chúng tôi nghe: Tên mẹ là Lê Thị Mong, 80 tuổi, nhà ở Hà Nội. Cụ thân sinh ra mẹ hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, chồng mẹ hy sinh thời kháng chiến chống Mỹ. Sau hơn 30 năm chồng mất, mẹ đã tìm được mộ chồng ở tỉnh Bình Phước, hiện mẹ đã chuyển di cốt của chồng về nghĩa trang liệt sĩ Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng khi có điều kiện, mẹ lại đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, vì ở đó có rất nhiều liệt sĩ là đồng đội của chồng mẹ. Đến đây, thắp một nén nhang, thỉnh một lời nguyện, thế đủ cho mẹ được toại nguyện phúc rồi.

 


Giữa khói hương trầm mặc, tôi lắng nghe trong gió từng hồi chuông thỉnh vang, thong thả vọng vào thinh không. Tôi chắp tay lên trái tim mình, xin có nén tâm nhang tiễn đưa anh linh những người con của Tổ quốc về miền cực lạc.