Chợ Tân Khánh chờ được xây mới

11:53, 11/07/2015

Chợ trung tâm xã Tân Khánh (Phú Bình) không chỉ là nơi tiêu thụ nông sản và phục vụ nhu cầu mua bán của  người dân  địa phương mà còn là điểm trao đổi hàng hóa của các xã lân cận như: Tân Kim, Bảo Lý, Đào Xá...

Thế nhưng, sau thời gian dài  đưa vào sử dụng, ngôi chợ hiện đã bị xuống cấp, gây ảnh hưởng đến việc mua bán của bà con. Ông Nguyễn Đình Hoàng, Trưởng Ban Quản lý chợ Tân Khánh cho biết: Đây là khu chợ duy nhất của địa phương, được thành lập từ năm 1984, có tổng diện tích hơn 2.000m2. Trong chợ hiện có gần 200 hộ kinh doanh với các mặt hàng chủ yếu là nông sản do bà con nông dân làm ra. Ngày bình thường, chợ phục vụ khoảng gần 1 nghìn lượt người đến mua sắm nhưng những ngày cao điểm như lễ, Tết hay các ngày chợ phiên mùng 1, ngày 3, ngày 6, ngày 8 âm lịch hằng tháng thì lượng người đến đây còn cao gấp 2-3 lần. Nguyên nhân là do ở các xã lân cận như Tân Kim, Bảo Lý, Đào Xá… đều không có chợ nên cứ đến ngày phiên là bà con lại mang nông sản tập trung đến buôn bán tại chợ Tân Khánh. Nhu cầu của người dân thì ngày càng lớn mà chợ lại quá xuống cấp. Hiện, hệ thống mái lợp ở khu vực nhà lồng chợ nhiều chỗ đã bị hỏng, mùa mưa bão năm nào cũng có nhiều tấm lợp bị tốc mái hoặc bị vỡ, hệ thống phòng cháy chữa cháy không phát huy tác dụng, hệ thống điện không được quy hoạch, đầu tư đồng bộ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ… Từ khi thành lập đến nay, vài năm chợ mới được tu sửa một lần nhưng chỉ là tu sửa nhỏ lẻ, không thấm vào đâu so với sự xuống cấp hàng ngày của khu chợ. Trong khi nơi này chưa được xây dựng lại, chúng tôi đã vận động bà con cố gắng tự sửa chữa, khắc phục nếu quầy hàng của gia đình bị xuống cấp, hư hỏng.

 

Dạo một vòng quanh chợ Tân Khánh, không khó để chúng tôi bắt gặp những hình ảnh xuống cấp và mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở ngôi chợ này. Tại đây chỉ có 2 nhà lồng chợ với tổng diện tích khoảng hơn 200m2 là có mái che, còn những diện tích khác các tiểu thương phải tự đổ cọc bê tông làm trụ đỡ tấm lợp phi broximang để dựng thành những chiếc chòi tạm tránh nắng mưa hoặc phải buôn bán ngoài trời. Nền chợ tuy đã được trải bê tông nhưng do thời gian sử dụng đã quá lâu nên nhiều chỗ bị bong tróc. Theo quan sát của chúng tôi, người bán ở chợ cũng có đầy đủ các thành phần từ những người nông dân đến các hộ buôn bán nhỏ với đầy đủ các sản phẩm có thể mang ra bán được. Nào rau, củ, quả đến các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng, cá hay các loại quần áo, giày dép… Tuy nhiên do không được phân khu rõ ràng nên việc trưng bày hàng hóa ở đây rất lộn xộn. Đa số những người bán hàng đều mạnh ai nấy làm, họ tự tìm cho mình một chỗ ngồi phù hợp, sau đó trải một tấm bạt nilong xuống đất bày hàng hóa lên là đã có một quầy hàng. Việc đi lại trong chợ cũng khá khó khăn khi người mua hàng thì cứ vô tư phóng xe vào chợ, còn người bán lại muốn tận dụng thêm một phần diện tích vốn được dành làm lối đi để bày hàng tràn lan, điều này khiến cho khu chợ vốn đã nhỏ càng thêm chật chội hơn. Chị Dương Thị Thúy, ở xóm Xuân Minh là người gắn bó với khu chợ này từ ngày đầu mới thành lập cho biết: Phần lớn diện tích chợ ở đây chưa được xây dựng khiến chúng tôi bán hàng rất vất vả. Gọi là có mái che nhưng trời mưa thì hắt tứ phía, trời nắng thì nóng như lò nung, thực phẩm mới bày ra được 1, 2 tiếng đã bị ôi quắt queo lại rồi.

 

Bên cạnh việc chợ xuống cấp, chật hẹp thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được chú trọng, đặc biệt là đối với các dịch vụ ăn, uống và các quầy hàng bán thịt tươi sống trong chợ. Ở các quầy hàng ăn như bún, phở… hầu hết người bán hàng đều dùng tay không để chế biến đồ ăn cho khách, bát đũa bẩn được dồn thành đống và rửa sơ qua trong một chiếc chậu nhỏ, thực phẩm thì không hề được che đậy mà để “lộ thiên” cho khách dễ nhìn. Còn ở những quầy bán thịt tươi sống, người bán thường bầy hàng trên những chiếc phản tạm bợ, mốc loang lổ, thịt sống, giò chả được để chung lẫn lộn. Trong khi  người đông đúc, đường đi lại chật chội thì điều này vô tình đã tạo điều kiện cho vô số bụi bẩn, ruồi nhặng “tấn công” vào thực phẩm, mang theo nhiều mầm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy biết rõ nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ nhưng khi được chúng tôi hỏi thì cả người bán lẫn người mua lại cho rằng: Chợ nông thôn thì ở đâu chả giống nhau, mà từ trước đến nay chúng tôi đều ăn đồ ở chợ này, có ai bị làm sao đâu.

 

Trước thực trạng xuống cấp của chợ Tân Khánh, ông Nguyễn Xuân Mão, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là khu chợ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp nhân dân và các xã lân cận có điều kiện giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, chúng tôi rất mong các đơn vị chức năng quan tâm đầu tư xây dựng để xã có được một ngôi chợ khang trang cho người dân yên tâm buôn bán. Trước mắt, chúng tôi vẫn tích cực tuyên truyền để bà con khắc phục khó khăn và tự giác chấp hành những quy định ở chợ, tránh gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự.