Trước năm 2014, cơ sở vật chất bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) từ cấp huyện đến cấp xã của huyện Phú Bình còn thiếu thốn đủ bề, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo tinh thần cải cách hành chính. Nay, bộ mặt “một cửa” nơi đây đã có sự “lột xác”.
Năm 2013, khi đến tìm hiểu về bộ phận “một cửa” của huyện Phú Bình, chúng tôi thấy, phòng làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện chỉ rộng hơn chục m2 nằm khuất trong trụ sở UBND huyện. Tại đó, có một cán bộ thường trực, chỉ tiếp nhận hồ sơ thuộc 2 lĩnh vực hành chính là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép xây dựng. Còn các lĩnh vực như: tài nguyên-môi trường, tư pháp - hộ tịch, địa chính… vẫn phải làm việc qua các phòng chuyên môn. Nghĩa là đại diện tổ chức, người dân muốn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính phải tự mình tìm đến các phòng chuyên môn của huyện. Điều này không những gây khó khăn cho bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ.
Cùng thời điểm đó, thị trấn Hương Sơn tuy là đơn vị hành chính trung tâm của huyện nhưng cũng chưa có phòng làm việc riêng cho bộ phận “một cửa”. Mọi thủ tục hồ sơ cơ bản được giải quyết ở hội trường nằm trên tầng 2 trụ sở UBND. Lãnh đạo thị trấn và một số cán bộ phải ngồi quanh 1 chiếc bàn để tiếp nhận, giải quyết công việc. Toàn huyện chỉ có các xã Đồng Liên, Tân Kim và Kha Sơn có phòng làm việc của bộ phận một cửa đáp ứng được quy định theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ (về diện tích 40m2). Trước thực trạng đó, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015. Trong đó, tập trung bố trí phòng làm việc, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện có trách nhiệm phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lên kế hoạch, cân đối nguồn ngân sách (của huyện và xã) xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho bộ phận “một cửa”. Đến nay, bộ mặt “một cửa” của huyện Phú Bình đã có sự thay đổi tích cực.
Căn phòng dành cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Phú Bình tuy chưa thật rộng nhưng được trang bị khá đầy đủ tiện nghi. Người dân đến ngồi chờ làm thủ tục không những có ghế ngồi mà còn được tận hưởng không khí mát mẻ từ máy điều hòa nhiệt độ. Phía trong, các cán bộ phụ trách ở 5 lĩnh vực khác nhau luôn niềm nở, vui vẻ khi tiếp nhận cũng như hướng dẫn người đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính. Xung quanh phòng treo đủ các bảng quy định, hướng dẫn trình tự thủ tục, bảng niêm yết công khai lệ phí của từng lĩnh vực...
Vừa tra cứu thông tin hướng dẫn các bước làm thủ tục để thế chấp tài sản trên màn hình cảm ứng, anh Nguyễn Việt Hà, xóm Na Chặng, xã Bàn Đạt vui vẻ: Trước đây, mỗi khi muốn lên huyện để làm hồ sơ thủ tục, tôi phải lần mò đến nhiều phòng làm việc khác nhau, mất nhiều thời gian, công sức. Từ khi huyện có phòng làm việc riêng để tiếp nhận và trả kết quả như hiện nay tôi thấy rất thuận tiện.
Còn chị Trần Thị Ngọc, cán bộ địa chính xã Tân Đức cũng không phải tìm đến tận nơi các phòng chuyên môn của huyện để nộp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân của xã nữa mà chỉ cần đến bộ phận một cửa là xong. Cầm trên tay mẩu giấy hẹn, chị hoàn toàn chủ động được thời gian đến nhận kết quả.
Bà Kiều Thị Thao, Trưởng phòng Nội vụ cho biết: Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, UBND huyện đã cho cải tạo, sửa chữa trụ sở của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện trước đây để cho bộ phận một cửa cấp huyện. Cùng với đó là sự hỗ trợ đầu tư trên 2 tỷ đồng theo đề án của tỉnh. Đến ngày 1-4-2014, trụ sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện bộ phận tiếp nhận và giải quyết 16 thủ tục thuộc 5 lĩnh vực: Tài nguyên-môi trường; tư pháp-hộ tịch; lao động-thương binh và xã hội; đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép xây dựng. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, bộ phận đã tiếp nhận và giải quyết trên 4 nghìn hồ sơ, trong đó số hồ sơ quá hạn không đáng kể (thuộc lĩnh vực tài nguyên-môi trường do thiếu hồ sơ, giấy tờ liên quan hoặc người dân nộp thuế chậm). Đặc biệt, vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo gần như không còn.
Đối với thị trấn Hương Sơn, để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, lãnh đạo thị trấn đã quyết tâm xây dựng mới bộ phận “một cửa” (theo quy chuẩn) ngay trước trụ sở UBND. Trong căn phòng rộng hơn 40m2, có trang bị máy tính, máy điều hòa không khí, quạt, hàng chục ghế ngồi chờ, chúng tôi cảm nhận được sự vui vẻ, hài lòng của người dân khi đến đây làm làm thủ tục hành chính. Ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ: Bộ phận một cửa được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 1-1-2014. Nhờ vậy mà việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính diễn ra rất thuận lợi. Để có được sự khang trang, rộng rãi và tiện nghi (với kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng) như hiện nay, thị trấn được huyện hỗ trợ 50% còn lại là kinh phí của địa phương.
Đến thời điểm này, cả huyện chỉ còn một số xã có bộ phận một cửa chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ. Về điểm này, bà Kiều Thị Thao cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, huyện về việc cải tạo và sửa chữa bộ phận “một cửa” của các xã, thị trấn, vừa qua, Phòng Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu cho UBND huyện tiến hành khảo sát và lên phương án hỗ trợ cải tạo, sửa chữa bộ phận “một cửa” tại 8 xã, thị trấn. Từ nguồn hỗ trợ đầu tư của tỉnh (70 triệu đồng/địa phương), huyện sẽ cân đối dành kinh phí cùng sự chủ động của mỗi đơn vị để tiến hành nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới đảm bảo đúng quy chuẩn. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2016, khi các đơn vị trên hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, bộ mặt “một cửa” của toàn huyện sẽ đạt được sự thống nhất, đồng bộ. Đây là cơ sở để tiến tới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại trong tương lai không xa của huyện Phú Bình.