Hơn 10 năm nay, bằng cách dùng tình cảm, yêu thương để cảm hoá người nghiện, bà Nguyễn Thị Năng đã cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) và Câu lạc bộ 5 không, 3 sạch tổ dân phố 13, thị trấn Chùa Hang giúp nhiều người nghiện ma tuý làm lại cuộc đời.
Biết chúng tôi muốn gặp để tìm hiểu về việc tham gia công tác phòng, chống ma tuý ở địa phương, bà Năng hẹn chúng tôi đến thẳng nhà anh Trần Quốc Trí ở tổ dân phố 13, thị trấn Chùa Hang, nơi bà đang học kỹ thuật trồng giống táo Xuân 21 để về áp dụng tại gia đình. Qua lời giới thiệu của bà, chúng tôi được biết, anh Trí là một trong những tấm gương cai nghiện ma tuý thành công và vươn lên phát triển kinh tế ở địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trí cho biết: Năm 2000, khi đi lao động xa nhà anh đã mắc nghiện ma tuý. Trong suốt thời gian sau đó, gia đình anh lâm vào cảnh nghèo khó, trong nhà hầu như không còn tài sản gì đáng giá. Năm 2002, khi bà Năng thường xuyên đến nhà trò chuyện, dùng lý lẽ phân tích, thuyết phục, anh Trí đã quyết tâm cai nghiện tại gia đình. Sau khi cai nghiện thành công, nghe theo lời khuyên của bà Năng, anh quyết định đi làm thuê ở địa phương khác để tránh bị lôi kéo vào con đường cũ. Sau 13 năm đoạn tuyệt với ma tuý, hiện nay, anh Trí đã có cuộc sống ổn định. Gia đình anh hiện có 2.000m2 vườn cây ăn quả trồng các loại: táo, nhãn, ổi, chanh đào… kết hợp chăn nuôi gà, vịt, cá. Anh Trí tâm sự: Thực ra, bản thân những “con” nghiện cũng có lúc nghĩ đến việc làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, cần có người định hướng, động viên thì họ mới có quyết tâm để cai nghiện. Tôi may mắn được cô Năng quan tâm, giúp đỡ nên mới có thể xây dựng cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Cũng bằng trách nhiệm, tình cảm của mình, những năm qua, bà Năng đã vận động được 7 người cai nghiện ma tuý thành công. Bà Năng cho hay: Để tiếp xúc được với người nghiện và vận động họ đi cai đã khó, giúp họ đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy để tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện lại càng khó khăn hơn. Trong quá trình vận động, không ít lần tôi phải đối diện với những ánh mắt không thân thiện, thái độ không muốn tiếp xúc, nặng lời của người nghiện. Thậm chí, có lần tôi còn bị kẻ xấu ném đá vào nhà đe doạ, thả thuốc sâu xuống ao cá sắp thu hoạch…
Không nản lòng trước khó khăn, sau nhiều lần bị người nghiện từ chối gặp mặt, nói chuyện, bà Năng chuyển sang tiếp cận với các thành viên trong gia đình người nghiện để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma tuý của từng người. Vượt qua sự thờ ơ, tâm lý “tốt khoe, xấu che” của những gia đình có người nghiện, bằng sự kiên trì, tình cảm của mình, dần dần, bà đã tiếp xúc được với những người nghiện, cảm hoá và tuyên truyền cho họ hiểu về tác hại của ma tuý, tư vấn các hình thức, địa điểm cai nghiện để họ chọn biện pháp phù hợp. Trong quá trình họ cai nghiện và sau khi cai nghiện thành công, bà đã cùng với các đoàn thể ở địa phương đến thăm hỏi, động viên và tìm cách giúp họ hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, bà đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương đặc biệt là những gia đình có người nghiện nên cảm thông, giúp đỡ, tránh thái độ ruồng bỏ, hắt hủi để giúp người nghiện vượt qua khó khăn lúc cai nghiện và trở lại hoà nhập cộng đồng.
Nói về bà Năng, chị Phạm Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chùa Hang cho biết: Bà Năng luôn là người có trách nhiệm, năng nổ và tâm huyết với công tác phòng, chống ma tuý ở địa phương. Không những vậy, bà còn chia sẻ kinh nghiệm cảm hoá, giúp đỡ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng cho nhiều chị em khác trong Hội Phụ nữ thị trấn để cùng tham gia vận động người nghiện cai nghiện. Nhờ một phần đóng góp không nhỏ của những người như bà Năng, số người nghiện ở thị trấn Chùa Hang đã giảm từ trên 160 người (năm 2005) xuống còn 114 người (năm 2015), trong đó có 75 người đang duy trì việc uống Methadone.