Sắp đến giờ hẹn, tôi lại nhận được cú điện thoại: “Ở tổ 24 có vụ xô xát, chị chờ tôi đến xem thế nào đã nhé”. Cuộc gặp vì thế đành lùi lại. Những sự vụ đột xuất như thế đã thành quá quen với anh Nguyễn Sơn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ số 7, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.
Tự trang bị phương tiện để làm việc
Đã ở tuổi 65 nhưng ở anh Sơn vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, rắn rỏi. 8 năm trải qua trận mạc, chất “lính” còn in đậm trong tác phong, cử chỉ, đặc biệt là phẩm cách dám đương đầu với cái xấu.
Thấy anh đeo bên hông khẩu súng bắn đạn cao su, tôi tò mò:
Bảo vệ dân phố được trang bị tốt quá anh nhỉ?
- Đây là công cụ hỗ trợ chúng tôi tự trang bị (có phần giúp đỡ của bà con trong tổ), bắn được cả đạn cao su và đạn hơi cay. Súng mua 4,5 triệu đồng, đạn mỗi viên 50 nghìn đồng. Công cụ này được Công an cấp giấy phép sử dụng.
- Anh đã phải rút súng bắn lần nào chưa?
- Tôi đã bắn 2 viên đạn, cứu được 1 người.
Rồi anh Sơn kể: Khoảng 10 giờ đêm 13-3-2014, nhà tôi đã đóng cửa chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng kêu ở ngoài đường. Tôi quơ vội khẩu súng mở cửa lao ra thì thấy một người quằn quại trên vũng máu, một người đang cầm dao hung hăng xông vào chém. Tôi lập tức nổ súng chỉ thiên, hô “dừng tay nếu không sẽ bắn”. Thấy tôi có súng, đối tượng lùi lại nhưng vẫn tìm cách áp sát người kia để chém tiếp. Tôi nổ tiếp phát đạn nữa, đối tượng đành lên xe bỏ chạy. Tôi gọi điện cho xe cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện, đồng thời gọi cho Cảnh sát 113 đến phối hợp giải quyết. Trong một số tình huống, đối tượng đang “say máu” mình cần có vũ khí nóng để bảo vệ bản thân và trấn áp được tội phạm. Đến nay, 5 người trong Tổ Bảo vệ dân phố chúng tôi đã tự trang bị súng bắn đạn cao su và hơi cay.
Từ năm 2008, Tổ Bảo vệ dân phố số 7 gồm 6 người do anh Sơn làm Tổ trưởng được thành lập, có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; giải quyết và phối hợp giải quyết một số vụ việc theo chức trách quy định tại Nghị định 38-CP ngày 17- 4- 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố. Các anh là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là tai mắt của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn 3 tổ dân phố 23, 24, 25 phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên).
Theo nhận xét của anh Sơn: 7 năm qua, tình hình dân cư của 3 tổ dân phố nhiều thay đổi. Số hộ đông lên không đáng kể (thêm khoảng 40 hộ), nhưng số nhà trọ, nhà nghỉ tăng lên gấp đôi (gần 100 phòng trọ). Người tạm trú, tạm vắng dao động từ 300-400 người. Nhiều vụ việc phức tạp xảy ra ở các nhà trọ này. Ngay như sáng nay, đang ăn sáng thì anh nhận được tin báo của Tổ trưởng Tổ dân phố 24 và lập tức có mặt giải quyết vụ xô xát giữa hai phụ nữ trong khu vực nhà trọ. Tổ Bảo vệ các anh vì thế nắm các nhà trọ rất kỹ, thường xuyên phối hợp với lực lượng công an khu vực tuần tra, kiểm tra đột xuất.
Gặp sự việc giải quyết ngay
- Thông thường các anh làm việc mấy tiếng trong ngày? - Tôi hỏi
- Rất khó xác định. Chúng tôi thường tuần tra 3-4 tiếng về đêm. Còn bất kể lúc nào nhận thông tin là chúng tôi có mặt nhanh nhất có thể để giải quyết.
Chỉ vào một trong những tấm giấy khen được UBND Thành phố tặng thưởng đột xuất do có thành xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, anh Sơn nhớ lại: Sáng 10-7-2011, tôi đang ngồi ăn sáng ở quán cạnh nhà thì nghe hô “trộm, trộm”. Nhìn ra tôi thấy một thằng đi chiếc Dream phóng rất nhanh. Tôi chạy về nhà lấy xe máy đuổi theo, đến phường Đồng Quang thì áp sát, bắt được tên trộm. 2 tháng sau, tôi được tặng Giấy khen này.
- Còn vụ can thiệp chém nhau anh phải nổ 2 phát súng?
- Vụ đó không được khen vì xảy ra khác địa bàn. Nhưng khi có người cần giúp thì mình phải làm ngay dù đó là địa bàn nào chị ạ.
Quả thật, tinh thần “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” (thơ Nguyễn Đình Chiểu) của anh luôn thể hiện. Ngay cả khi chưa tham gia Tổ Bảo vệ dân phố, anh Sơn đã 4 lần đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, 2 lần dừng hỏi đối tượng khả nghi trong đêm, phát hiện kẻ trộm, thu giữ tang vật.
Buồn vì sự vô cảm vẫn còn
Khi tôi hỏi về trăn trở với công việc đang làm, anh Sơn không nói nhiều về khó khăn, thiếu thốn. Anh bảo, điều buồn nhất là sự vô cảm của không ít người. Nhiều lần anh đuổi theo kẻ trộm, xông vào đám đánh nhau can ngăn, nhưng đám đông chỉ… đứng xem, ít người tham gia giúp đỡ. Buồn nữa là văn hóa ứng xử, có người tìm được tài sản bị mất cắp không có một cuộc điện thoại cảm ơn người đã giúp mình. Chưa kể, không ít người chưa hiểu chức năng, nhiệm vụ của Tổ Bảo vệ nên trách móc Tổ khi nhà họ mất buồng chuối, con gà, con chó. Họ không hiểu rằng mỗi người cần có ý thức cảnh giác bảo vệ cho bản thân và gia đình mình trước hết.
Dù còn điều chưa hài lòng như vậy nhưng anh Sơn cho rằng mình là người may mắn khi được sự ủng hộ của gia đình để anh vững tâm làm công việc đối mặt với cái xấu, cái ác, mặc dù cũng có lúc bị vợ trách “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Vui hơn là tình hình an ninh trật tự ở 3 tổ dân phố do các anh phụ trách đã tốt hơn. Tình trạng trộm cắp vặt (nhất là trộm chó), xô xát mất đoàn kết, đối tượng nghiện hút đến địa bàn tiêm chích giảm hẳn. 6 tháng đầu năm 2015, Tổ Bảo vệ dân phố do anh Nguyễn Sơn làm Tổ trưởng được UBND phường Gia Sàng biểu dương.