Chương trình nông thôn miền núi (NTMN) là một trong những chương trình KH&CN quan trọng, có tính thiết thực do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì. Sau 15 năm (1998-2015) triển khai, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.
Hiệu quả bất ngờ từ Chương trình NTMN
Theo Bộ KH&CN, Chương trình NTMN có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi.
Báo cáo kết quả thực hiện 15 năm Chương trình NTMN do Bộ KH&CN vừa công bố cho thấy, tổng số dự án triển khai tại 62 tỉnh, thành phố là 845 dự án với tổng kinh phí là 2.745,938 tỷ đồng, trong đó 258 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, 83 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 107 dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, 129 dự án trong lĩnh vực trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản, 122 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và 53 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ bảo quản, chế biến. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương là 1.081,181 tỷ đồng (chiếm 39.4%) và huy động từ doanh nghiệp, ngân sách địa phương... là 1.664,758 tỷ đồng (chiếm 60,6%).
Đến nay, Chương trình đã chuyển giao được 4.716 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất, thu hút được 29.170 lao động trực tiếp và 99.473 lao động gián tiếp tham gia; góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản của các địa phương, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư ở nông thôn, miền núi- vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn.
Điển hình như Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; chương trình hỗ trợ cho các vùng có giống cây, giống con đặc sản xây dựng thương hiệu…Thông qua chương trình này, bà con được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm đặc sản...mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu, Chương trình đã được áp dụng với bà con vùng vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi, cam Vinh…
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, trước đây vải thiều Lục Ngạn đến mùa thu hoạch giá bán thấp, thậm chí nhiều năm nông dân phải đổ vải ra đường hoặc để cho vải chín trên cây. Nhưng sau khi được đăng kí chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, giá vải thiều đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Hiện, Bộ đang quy hoạch GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) cho vải thiều Lục Ngạn, đồng thời giới thiệu cho bà con vùng Lục Ngạn những công nghệ bảo quản hiện đại phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2015 là năm đầu tiên quả vải thiều tới được những thị trường khó tính nhất như là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc với sản lượng xuất khẩu càng ngày càng tăng.
Ngoài ra, với hơn 20 sản phẩm chỉ dẫn địa lý khác như là bưởi Năm Roi, cam Vinh, nước mắm Phú Quốc,… đều đã phát huy tác dụng vào được những thị trường khó tính và có giá bán tốt, điều đó cho thấy KH&CN thực sự đã có chỗ đứng trong nền nông nghiệp.
Hay như Dự án “Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè Ô Long tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ” đã tạo được vùng nguyên liệu 50 ha theo tiêu chuẩn VietGap để cung cấp giống và nguyên liệu cho sản xuất chè Ô Long, tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong vùng dự án, cho thu nhập 85 triệu đồng/ha từ việc thu hái chè nguyên liệu,….. góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế đối với cây chè của tỉnh, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân...
Về lĩnh vực chăn nuôi, đại diện cho Công ty TNHH Nhà nước MTV giống gia súc Hà Nội, ông Bùi Đại Phong, Giám đốc công ty cho biết, nhờ việc ứng dụng KH&CN trong chăn nuôi gia súc, qua 3 năm triển khai, công ty đã lai tạo hơn 10 nghìn con bò thịt chất lượng cao. Giá trị sản lượng sản xuất ra đạt hơn 160 tỷ đồng, giải quyết hơn sáu nghìn việc làm cho lao động nông thôn ngoại thành, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại ngoại thành Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh, nhìn tổng thể, các dự án thuộc Chương trình NTMN đã thực sự là điểm sáng về ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Cụ thể, về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào công thức luân canh để tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên một đơn vị diện tích…Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, phát triển ứng dụng, cũng có những mô hình, sản phẩm được thị trường ghi nhận. Chương trình còn xây dựng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm an toàn và chất lượng phục vụ cộng đồng.
Đề xuất kéo dài thêm 10 năm tiếp tục triển khai Chương trình NTMN
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, mặc dù đạt nhiều hiệu quả thiết thực nhưng Chương trình vẫn còn một số hạn chế tồn tại như: Nguồn nhân lực lao động nhiều nơi dân trí còn thấp, ảnh hưởng tới việc tiếp thu các tiến bộ KH&CN, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp; nguồn ngân sách nhà nước dành cho chương trình (dưới 40%) còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp nông thôn, cần phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng năm. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN), của xã hội để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; lập quỹ phát triển KH&CN của DN dùng cho các hoạt động nghiên cứu triển khai của DN cũng như hỗ trợ các quỹ phát triển KH&CN khác.
Đánh giá về hiệu quả từ Chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho biết, thông qua Chương trình, những người dân được tiếp cận với các tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới, giống mới, đem lại năng suất lao động cao hơn và thu nhập tốt hơn. Chương trình đã huy động sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân tham gia. Bên cạnh 700 tỷ ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong thời gian qua, chúng tôi đã huy động được hơn 1000 tỷ từ các doanh nghiệp, các hộ gia đình tham gia vào chương trình. Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì người dân cũng sẵn sàng đem nguồn lực của mình để đóng góp vào công việc chung, ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất. Nếukhông có vai trò của nhà nước, chắc chắn chúng ta sẽ không huy động được nguồn vốn này trong nhân dân và doanh nghiệp. Và như vậy, chương trình qua thời gian 15 năm đã khẳng định được đây là chương trình có hiệu quả, đem lại giá trị cao cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Để thúc đẩy Chương trình phát triển, Bộ trưởng cũng cho biết, trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình với nội dung đổi mới phù hợp tình hình phát triển hiện nay, kéo dài thời gian thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới ít nhất 10 năm, các dự án thuộc Chương trình có thể kéo dài trên 5 năm nếu cần thiết; nâng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình (dự kiến tăng tối thiểu 50%) so với giai đoạn 2011-2015; hỗ trợ kinh phí mạnh hơn trong triển khai áp dụng KH&CN đối với các dự án khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền phổ biến kiến thức; chủ động tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết ứng dụng chuyển giao đáp ứng nhu cầu của địa phương; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm, giải mã và tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ có hiệu quả…
Đây sẽ là Chương trình kết hợp giữa Đề án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản” theo Quyết định 2356/QĐ-Ttg tháng 12/2013 với Chương trình nông thôn miền núi trước đó./.