Khúc tráng ca bên dòng sông Thạch Hãn

09:53, 18/07/2015

Bên dòng Thạch Hãn, tôi lặng nhìn dòng nước chảy êm đềm, lòng liên tưởng dòng sông đang vỗ về, nhẹ ru bao hương hồn những liệt sĩ còn nằm lại đáy sông. Từ đáy trái tim mình, tôi xin có nén tâm nhang sưởi ấm hồn người nằm lại. Và từ bờ Thạch Hãn, xin được đặt nhẹ bàn chân, cho tôi cùng bao người được trở vào trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ vong linh những người con ưu tú của đất nước, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bền bỉ 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ.

Đó là vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong thời gian từ ngày 28-6 đến ngày 16-9, Mỹ, ngụy đã dùng những vũ khí tối tân, hiện đại nhất đánh phá mảnh đất đau thương. Trong 81 ngày đêm, chúng đã ném tổng cộng 120 nghìn tấn bom, đạn, bằng 7 lần quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, hướng dẫn viên ở Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nghẹn ngào nói: Tham gia trận đánh, trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ của ta phải đội trên đầu 4 tấn bom; hơn 50 nghìn viên đạn, pháo các loại. Đạn bom oanh tạc suốt ngày đêm, dữ dội nhất là ngày 25-7, thị xã Quảng Trị phải hứng chịu hơn 35 nghìn quả đạn pháo, chưa kể bom từ máy bay Mỹ ném xuống. Nhưng đạn, bom của kẻ thù không làm lung lay ý chí sắt đá của bộ đội ta. Tất cả đã sát cánh, chiến đấu kiên cường và làm nên một mốc son vàng chói lọi, sáng ngời bản hùng ca bất tử, một khúc tráng ca về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán Pari, tạo đà cho đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất.

 

Vinh quang, nhưng đau thương đong đầy trong nước mắt. Bởi có lẽ không vùng đất nào trên thế giới phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát nhiều như nơi đây. Có cựu chiến binh khi về thăm Thành cổ, đã kể với mọi người rằng: Bom đạn giội trên đầu chúng tôi nhiều đến mức không ai thấy sợ nữa. Nhiều đồng đội tôi chưa dứt nụ cười đã bị bom vùi sâu vào lòng đất... Chúng tôi đến trước khu Thành cổ, thăm ngôi nhà của Trường Bồ Đề xưa, chứng tích chiến tranh còn sót lại. Khi thắp hương lên ban thờ, chợt đâu đó có tiếng hát nhẹ lướt giữa nắng tháng 7: “Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ /Xin chớ vô tình với người hy sinh”...

 

Lời hát da diết, đau đáu một niềm thương và làm lay động lòng bao người. Bởi có gì nuối thương, xúc động hơn khi biết trong 81 ngày đêm, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhiều liệt sỹ bị bom vùi chưa biết nằm nơi nào trong đất lạnh. Chị Nguyệt tiếp tục câu chuyện với chúng tôi: Cũng bởi các anh hóa thân vào sông núi của đất trời Quảng Trị, nên nghĩa trang liệt sĩ nơi Thành cổ không giống bất cứ nghĩa trang nào. Các liệt sĩ không có nầm mồ riêng, mà chỉ có 1 Đài Tưởng niệm trung tâm, bốn phương, tám hướng là cỏ cây, hoa, lá.

 

Đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người đã mất. Theo lời anh Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ của Di tích: Đài tưởng niệm được xây dựng trên cơ sở hình thành của triết lý âm - dương, mang tính siêu thoát. Dưới chân đài tưởng niệm đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Trên tầng lưỡng nghi có một mái đình Việt cách điệu. Trung tâm mái đình Việt là bình thái cực. Tầng lưỡng nghi bên trong có những chòm được xây dựng theo thái cực độ. Một nửa là phía hồ nước xem như phần âm. Từ phần âm được đắp một cây đèn màu đỏ được ví như phần dương trong âm. Cây đèn này được xem như cây thiên mệnh có chức năng thiêng liêng là cầu nối giữa trời và đất để chuyển tải linh hồn các anh hùng liệt sĩ về cõi vĩnh hằng.

 

Trên đỉnh của cây thiên mệnh có ngọn lửa mang ý nghĩa là ánh hào quang của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ở giữa có 3 bông hoa tượng trưng cho tam tài: Thiên - Địa - Nhân, với ý nghĩa là cầu nối giữa trời, đất và con người. Phía dưới 3 bông hoa là hình tượng của 3 bát cơm chồng lên nhau cúng cho người đã khuất. Còn nửa phần dương còn lại được lát bằng nền gạch đỏ, là màu của sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Trên phần dương có một lỗ tròn tượng trưng cho phần âm trong dương, phần âm trong dương này thông vào lòng nấm mồ. Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương. Về mặt tâm linh thì đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sỹ tứ phương về nấm mồ chung này. Ở chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: Một chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, một bi đông nước, khẩu súng AK và chiếc ba lô. Giản dị và thân thương mà các anh đã làm nên lịch sử...

Tôi lặng lẽ đi quanh phía ngoài tầng lưỡng nghi, lần lượt đọc 81 bức phù điêu, tượng trung cho 81 tờ lịch ghi lại từng ngày đêm của một cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị theo chiều ngược kim đồng hồ. Trong tiếng nhạc chiêu hồn linh thiêng, khói hương quyện hòa, lan tỏa và nhẹ nhàng la đà trên mặt đất. Tôi nhủ thầm: Các anh đã vượt dòng Thạch Hãn, đã trải trận mạc ở Nhan Biều, Ái Tử, Dốc Miếu, Cồn Tiên... để vào Thành cổ Quảng Trị làm nên một huyền thoại Việt Nam - Một huyền thoại oai hùng, bi tráng.