Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đã có rất nhiều người vợ, người mẹ tiễn chồng, con ra mặt trận, rồi ở nhà lao động, sản xuất xây dựng hậu phương vững chắc. Đất nước thống nhất, có người may mắn trở về nhưng thương tật đầy mình, sức khỏe suy kiệt. Với bản chất trung hậu, đảm đang, nhiều phụ nữ lại âm thầm nén nỗi đau, luôn bên cạnh chia sẻ vui, buồn để bù đắp cho những thương binh. Cuộc đời của họ là tấm gương đẹp về tình nghĩa và đức hy sinh.
Tôi được các bác cựu chiến binh trong Ban Liên lạc Sư đoàn 5 Thái Nguyên kể nhiều về bà Nguyễn Thị Kim Quy - người đã hơn 20 năm nay nhận nuôi dưỡng thương binh nặng. Căn nhà của bà ở xóm Tân Đức 2, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) hiện là nơi sinh sống của 3 thế hệ, trong đó thương binh Nguyễn Nam Đàn là thành viên chính thức của gia đình từ năm 1992. Nhiều đồng đội nói, sự sống sót trở về và có được sức khỏe như ngày hôm nay của ông Đàn giống như một truyện cổ tích. Ông sinh năm 1955, tại xã Yên Đổ (Phú Lương), lên đường nhập ngũ năm 1974, thuộc Sư đoàn 5 ở Đông Nam bộ. Tại đây, ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến quyết liệt, góp sức vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Đàn kể: “Tôi bị thương năm 1979, tại chiến trường Campuchia. Khi ấy, đơn vị đang tiến đánh một cứ điểm của địch thì đột nhiên tôi giẫm phải mìn. Sau một tiếng nổ lớn, tôi chỉ kịp nhớ cảm giác đau nhói, nhìn xuống thì thấy hai chân đã cụt lìa gần hết, sau đó ngất lịm đi”. Được đồng đội kịp thời băng bó, chuyên chở bằng máy bay về Bệnh viện Quân y 175 (T.P Hồ Chí Minh) điều trị nên ông đã giữ được tính mạng. Sau đó là cả một hành trình ông Đàn được chuyển qua các bệnh viện, trạm điều dưỡng rồi về Trạm Điều dưỡng thương binh nặng tỉnh Bắc Thái (năm 1988). Khi ấy, bà Quy đang là y sĩ phụ trách chăm sóc thương binh tại Trạm. Năm 1992, Trạm giải thể theo quyết định của Nhà nước, tất cả thương binh được đưa về gia đình chăm sóc, chỉ riêng ông Đàn vì gia đình quá khó khăn lại sức khỏe yếu nên chưa biết tính sao. Cảm thương hoàn cảnh nên bà Quy đã nhận đưa ông về chăm sóc như người em trong gia đình. Bà tâm sự: Tôi cũng từng có tham gia quân ngũ, rồi có nhiều năm gắn bó với thương binh nên rất thương họ. Khi về với gia đình, chú Đàn chỉ nặng 21kg, bị cắt 3/4 dạ dày, còn bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Với số tiền trợ cấp ít ỏi, một mình nuôi 3 đứa con nhỏ và chăm sóc thêm thương binh nên bà Quy phải xoay đủ nghề để kiếm sống. Từ trồng rau, chăn nuôi, chạy chợ rồi làm nghề thuốc đông y. Ông Đàn kể: Cuộc sống khó khăn như vậy nhưng chị Quy luôn hết lòng lo cho tôi và các cháu. Vất vả nhất là những lúc tôi đau ốm, không đi lại được, chị ân cần bón giúp từng thìa cháo. Tuy không có quan hệ huyết thống nhưng chị đã giúp đỡ, chăm sóc tôi còn hơn cả người trong nhà. Điều kiện kinh tế giờ đã khấm khá, sức khỏe của ông Đàn cũng ổn định hơn. Người con út của bà Quy là anh Nguyễn Đức Quang nhận ông Đàn làm bố đỡ đầu, anh vừa dành dụm tiền mua cho ông chiếc xe điện 4 bánh để tiện đi lại và sinh hoạt.
Đối với bà Nguyễn Thị Lúa, từ sự cảm mến rồi tiến tới hạnh phúc gia đình với thương binh hạng 1/4 Bùi Văn Thống như một lẽ tự nhiên. Ông Thống là bộ đội đặc công, thuộc Trung đoàn 58 ở Tây Nguyên. Năm 1972, trong một trận đánh cứ điểm ở Kon Tum ông bị đạn súng cối làm gãy đùi trái, mảnh đạn xuyên từ gò má trái qua phải cắt thủng vòm miệng, một mảnh đạt khác hiện vẫn nằm sâu trong đầu. Năm 1979, sau nhiều lần phẫu thuật, ông được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh ở Chí Linh (Hải Dương). Bà Lúa khi ấy là giáo viên tiểu học, kiêm cán bộ chăn nuôi của HTX nông nghiệp ở địa phương. Bà kể: Ban đầu chỉ gặp gỡ qua lại bình thường, nhưng dần dần tôi thấy thương, cảm mến và quyết tâm cưới bằng được ông ấy. Vài tháng sau khi lập gia đình, bà bỏ tất cả sự nghiệp để theo về nhà chồng tại xóm Cây Hồng 2, xã Động Đạt (Phú Lương). Ông Thống thường xuyên đau ốm, một mình bà Lúa phải quán xuyến việc nhà, phát nương làm bãi để lo toan cuộc sống. Bà Lúa tâm sự: Bình thường thì không sao, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, viết thương ở đầu tái phát khiến ông ấy co giật liên tục, quằn quại khổ sở. Những lúc đau quá, ông trở nên cáu bẳn, to tiếng khiến tôi đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Những lúc như vậy, tôi lại tự bảo mình phải mạnh mẽ lên, đau thì mình biết ý xoa cho dịu, vợ chồng sống với nhau bằng tình nghĩa cả đời, đâu thể giận hờn chốc lát làm ảnh hưởng được.
Ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), chúng tôi biết về cuộc sống hạnh phúc của một gia đình thương binh nữa. Đó là vợ chồng ông Lương Văn So, 83 tuổi, thương binh chống Pháp hạng 1/4 và bà Đỗ Thị Lý, 81 tuổi. Ông So quê ở huyện Thanh Hà (Hải Dương), lập gia đình từ khi 17 tuổi. Sớm tham gia phong trào du kích tại địa phương, ông bị thương trong một trận đánh đồn địch năm 1954. Trái mìn phát nổ khiến ông bị mất gần như toàn bộ chân bên trái. Ông kể: Ngày mới lắp chân giả, vết thương xưng tấy, mưng mủ khiến tôi đau buốt. Ngày nào bà ấy cũng thức suốt đêm để lo lắng chăm sóc. Năm 1961, hai vợ chông ông rời quê lên vùng đất Phú Lương lập nghiệp. Chồng bị thương tật, đi lại khó khăn nên bao nhiêu nỗi lo cơm áo, gạo tiền đều dồn lên vai bà Lý. Một mình bà phát rừng để trồng sắn, chồng chè và cấy hơn 1 mẫu ruộng. Niềm vui lớn là 2 ông bà có với nhau được tới 9 người con, tất cả đều đã trưởng thành. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hằng ngày bà Lý vẫn tự tay lo cơm nước và giặt giũ quần áo cho chồng. Bà bảo: “Cả đời ông ấy chịu thiệt thòi vì mất đi một phần cơ thể, nên tôi muốn bù đắp khi nào con có thể”.
Còn rất nhiều nữa những tấm gương phụ nữ lặng lẽ hy sinh, tần tảo chăm sóc, bù đắp cho những thương binh giữa thời bình. Chiến tranh đã gây ra nhiều những đau thương, mất mát và giờ đây những người vợ, người chị đang từng ngày sống với lý tưởng trọn nghĩa, vẹn tình để góp phần xoa dịu nỗi đau ấy.