Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng

14:53, 07/07/2015

Chiến tranh đã lùi về quá khứ, đất nước bình yên nhưng có những người lính mãi không về, dòng tên anh khắc lưu lại cùng sử xanh, để nơi quê nhà có người vợ, người mẹ thờ chồng, chờ con, những phụ nữ mang một niềm đau riêng cho bao người được sống.

Trong đợt trao Bằng Vinh danh mẹ Việt Nam Anh hùng vào cuối năm 2014, tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm người mẹ được phong tặng, truy tặng, đặc biệt gia đình ông Hoàng Tú, tổ 17, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) có hai người mẹ được truy tặng danh hiệu cao quý này.

 

76 tuổi, ông Hoàng Tú còn nhanh nhẹn, minh mẫn và tích cực giúp đỡ bà con xóm giềng. Bốn người con của ông đều đã trưởng thành, hiện ông ở cùng người con út. Trong ngôi nhà xây cấp 4 ông đang ở, đồ đạc giản dị, nhưng trên tường dày kín những huân chương, huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công và Bằng Truy tặng mẹ Việt Nam Anh hùng... Ông Hoàng Tú cho biết: Tôi sinh sống ở Thái Nguyên, nhưng có trách nhiệm chăm lo việc hương khói cho các cụ ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, Thanh Trì (Hà Nội), trong đó có hai mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Trần Thị Nhung và mẹ Nguyễn Thị Lựu.

 

Ông Hoàng Tú là cháu nội Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhung, là con đẻ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lựu. Mẹ Nhung sinh năm 1895, về làm dâu nhà họ Hoàng năm 18 tuổi, sinh được 8 người con. Chồng mẹ là ông Hoàng Văn Nhạc, làm nghề dạy học ở Kiến An (Hải Phòng). Chồng biền biệt xa nhà, mẹ một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn. Đất nước có chiến tranh, mẹ tiễn bốn người con trai lên đường, hai người con hoàn thành nhiệm vụ trở về bên mẹ, còn Hoàng Thọ, người con cả hy sinh tại Bắc Sơn, Lạng Sơn (năm 1954); anh Hoàng Cát, người con thứ sáu của mẹ hy sinh năm 1968, tại tỉnh Bình Định.

 

Mẹ Nhung đã khóc ngất khi lần lượt nhận hai tờ giấy báo tử của các con: 1 hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 1 hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đau đớn vô hạn, mẹ ôm người con dâu cả là Nguyễn Thị Lựu vào lòng (bà Lựu là vợ của liệt sĩ Hoàng Thọ). Bà vuốt mái tóc rối bời của con dâu, bảo: Có nỗi đau nào hơn tự do chiến tranh mang lại. Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của ngày xưa, ông Hoàng Tú dân dấn nước mắt, rồi tiếp tục: Bà nội tôi năng động lắm. Bà không chỉ là người lao động giỏi của thôn, mà còn tích cực tham gia Đội Bạch đầu quân, tức đội lão dân quân du kích xã bấy giờ. Năm 71 tuổi, cụ được bà con tín nhiệm bầu là phụ lão hai giỏi. Cụ mất năm 1969, thọ 73 tuổi.

 

Mẹ Nguyễn Thị Lựu có 8 người con, 2 con trai của mẹ là Hoàng Tú và Hoàng Kiếm Phong tham gia kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Chồng mẹ là liệt sĩ Hoàng Thọ. Liệt sĩ Hoàng Thọ trước đó là Chánh Thanh tra Liên khu Việt Bắc, trong chuyến đi công tác từ Lạng Sơn về Thái Nguyên, khi hành quân qua khu vực Mỏ Gà, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), đơn vị bị máy bay địch tập kích đánh phá, Hoàng Thọ bị 1 mảnh bom găm thẳng vào gáy, ông cùng nhiều cán bộ, bộ đội khác hy sinh tại chỗ. Hôm đó, ngày 25-5-1954, đơn vị mai táng ông ở một nghĩa trang tạm bên đường. Ít ngày sau, mẹ Lựu đã cho con trai cả là Hoàng Tú (15 tuổi) cùng một số người thân trở lại nơi chồng hy sinh để khắc bia mộ và thắp hương lên mộ chí của chồng.

 

Mẹ nén đau thương vào đáy lòng, gồng mình để sống, nuôi con. Năm 1965, mẹ Lựu lặng lẽ tiễn Hoàng Kiếm Phong lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1968, mẹ Lựu lại tiễn chân con trai Hoàng Tú vào mặt trận miền Nam. Rồi đau đáu chờ con, mong ngày đất nước thống nhất, các con lành lặn trở về. Nhưng, điều không ai mong đã đến. Một ngày của năm 1969, đơn vị mang về cho mẹ tấm giấy báo tử, trong đó ghi tên Hoàng Kiếm Phong. Mắt mẹ nhòe ướt, mờ đi. Mẹ quỵ xuống nền nhà, kêu thất thanh gọi tên con.

 

Liệt sĩ Hoàng Kiếm Phong hy sinh tại mặt trận Sầm Nưa, bên nước bạn Lào. Năm 1993, liệt sĩ được anh em, đồng đội quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Kỳ Sơn (Nghệ An)... Chí ít cũng còn một niềm thương, năm 1976, Hoàng Tú, con trai cả của mẹ từ miền Nam trở về, anh mang trên đầu một vết sẹo dài do mảnh pháo thù rơi vào trận địa của bộ đội ta.

Là con dâu cả của chi họ Hoàng, bao đau thương, mất mát chiến tranh chất chồng lên đôi vai gầy của me Lựu: Trên ban thờ của dòng họ có những tấm Bằng Tổ quốc ghi công: Hoàng Thọ (chồng của mẹ); Hoàng Cát (em chồng) và Hoàng Kiếm Phong (con trai của mẹ). Vinh quang lắm mà đau thương cũng nhiều, mẹ mất  năm 63 tuổi... 30 năm sau ngày mất, mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng đợt, mẹ chồng của mẹ cũng được truy tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân vinh danh.