Nhân lên những giá trị nhân đạo

17:03, 14/07/2015

Thiếu máu cấp cứu, tính mạng những người bệnh sẽ bị đe dọa. Nhưng không có tiếp nhận và dự trữ thường xuyên thì không thể có máu để cung cấp. Đặc biệt, khi bệnh viện cạn nguồn dự trữ, nhiều bệnh nhân muốn mua cũng không thể có, chỉ có sự san sẻ bằng tấm lòng nhân ái của những người hiến máu nhân đạo mới đem lại sự sống cho người bệnh. Đó là một trong những câu chuyện ghi lại ở  Trung tâm Huyết học truyền máu (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên)

Bác sĩ Nguyễn Kiều Giang, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Với lưu lượng bệnh nhân hiện tại của Bệnh viện và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mỗi năm phải dùng hết (tiếp máu cho người bệnh) trên 15 nghìn đơn vị máu, song thực tế cung không đủ cầu. Có một thực tế nếu ai chưa từng hiến máu thì đều ngại hiến máu. Khi có người thân cấp cứu thì sẵn sàng tìm máu bằng mọi giá, thậm chí tự nguyện hiến máu bản thân, nhưng không phải cứ cho là người bệnh nhận được ngay, mà phải qua các khâu xét nghiệm, điều chế, sản xuất và quan trọng hơn là phải phù hợp. Chính từ những tình huống này, một số gia đình, người thân bệnh nhân mới giác ngộ và hiểu được hoạt động hiến máu tình nguyện là công việc thường xuyên, liên tục và chia đều ra các khoảng thời gian trong năm”.

 

Có mặt tại Trung tâm Huyết học và truyền máu đúng vào những ngày “khan máu” nhất trong năm, cả kho chỉ còn dự trữ gần 200 đơn vị máu, trong khi mỗi ngày Trung tâm phải cấp phát trung bình 50 đơn vị để điều trị, cá biệt có những ca cấp cứu, bệnh nhân cần tiếp đến hàng chục đơn vị máu như bị tai nạn chấn thương vùng nội tạng, rắn độc cắn… Lý giải về tình trạng cạn nguồn dự trữ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Kiều Giang chia sẻ: Lâu nay lực lượng hiến máu tình nguyện chủ yếu là sinh viên, khi sinh viên nghỉ hè, nghỉ Tết là không có nguồn tiếp máu. Số tình nguyện viên tại thành phố cũng chỉ đáp ứng được 5-10 đơn vị/ngày. Trong những lúc khan hiếm, Trung tâm đã phải huy động chính đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện, sinh viên Trường Y. Song cũng đã không ít lần Trung tâm phải “xếp hàng” chờ Trung ương tiếp tế. Hàng năm, bên cạnh các chương trình hiến máu tình nguyện của quốc gia, của tỉnh, Trung tâm cũng tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động và đi tiếp nhận máu gần 40 cuộc tại các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng chỉ được hơn 1.000 đơn vị. Từ thực tế này, Trung tâm đã tham mưu với Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh tiến hành vận động hiến máu tình nguyện tất cả người dân, đến các cơ quan, doanh nghiệp. “Hành trình đỏ” năm nay sẽ hướng đến đối tượng là cán bộ, viên chức các cơ quan và giao chỉ tiêu cho các địa phương trong tỉnh là một nét mới, tạo sức lan tỏa về ý nghĩa của hiến máu nhân đạo trong cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, về kế hoạch dài hạn, Trung tâm Huyết học truyền máu cũng đưa ra những khuyến cáo đó là: Cần giao chỉ tiêu và chia kỳ hiến máu cho mỗi đơn vị, địa phương rải đều trong năm, tránh tình trạng hiến máu cục bộ hoặc có những thời điểm cạn nguồn dự trữ.

 

Từ thực tế tại Trung tâm Huyết học và truyền máu có thể thấy hoạt động hiến máu tình nguyện đang cần hơn nữa những tấm lòng nhân ái, góp phần nhân lên những giá trị nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng xã hội.