Bảo hiểm y tế đã bao phủ tới 71,4% dân số - đây là kết quả được đánh giá tại hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2015. Hội nghị do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức chiều 1/7 với sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, tính đến hết tháng 5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.
Đáng chú ý là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực. Theo đó, nếu so với thời điểm cuối năm 2014, số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tăng hơn 400 nghìn người, tương đương 5,4%, chứng tỏ chính sách, pháp luật mới về bảo hiểm y tế đã dần đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận.
Cùng với việc chủ động, tích cực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, công tác thu bảo hiểm y tế cũng được chú trọng, tính đến ngày 31/5, số thu bảo hiểm y tế được gần 19,6 nghìn tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch, tương đương quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng trên 17,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh, việc phát triển đối tượng tham gia và thu bảo hiểm y tế theo quy định mới của luật cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu 75% dân số có bảo hiểm y tế trong năm 2015, cần phát triển khoảng 3,2 triệu người (tương đương 3,6% dân số cả nước), trong đó hầu hết là những người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính, sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo thống kê, đến hết tháng 5 năm 2015, có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có đến 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60% dân số.
Đặc biệt, có 8 địa phương gồm: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ bao phủ BHYT được trên 55% dân số của tỉnh. Một số tỉnh từ năm 2014 trở về trước có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế rất cao do có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng đến năm 2015 bị sụt giảm mạnh số người có thẻ bảo hiểm y tế như: Bắc Kạn giảm 8%, Hậu Giang giảm 6 %, Lạng Sơn, Tuyên Quang giảm 5% số người tham gia bảo hiểm y tế so với năm 2014.
Cũng theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia bảo hiểm y tế của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế chưa cao.
Theo thống kê, hiện có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm y tế cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh – sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong tháng 5/2015, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Viettel triển khai thí điểm phần mềm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh tại 4 tuyến với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Đến ngày 25/6/2015 đã hoàn thành kết nối dữ liệu theo cả 4 cấp và đã chuyển dữ liệu của tháng 6 sang thực hiện giám định điện tử. Đến nay đã kết nối danh mục tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh và sẵn sàng kết nối cho các tỉnh trên toàn quốc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ bình quân 71,4% nhưng chỉ có 24/63 tỉnh có tỷ lệ trên mức trung bình của cả nước, còn lại là dưới mức trung bình, đặc biệt có một số tỉnh mới đạt dưới 60%.
Việc Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng tỉnh phải tính toán kỹ, có con số cụ thể với từng nhóm đối tượng để cuối năm kiểm điểm lại. Trong đó, cần tập trung vào từng nhóm đối tượng gồm nhóm quân đội, công an và thân nhân; nhóm học sinh, sinh viên; nhóm hộ gia đình cận nghèo, nông dân, diêm dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo rà soát lại 10% học sinh và 22% sinh viên chưa đóng bảo hiểm y tế thuộc đối tượng nào, nếu thuộc diện gia đình khá giả cần vận động mua, nếu thuộc diện hộ nghèo, cần đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi, siết tới từng đối tượng, phấn đấu trong năm 2015, 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng lưu ý đối tượng rất quan trọng là các hộ cận nghèo. Hiện mới có trên 30 tỉnh có kế hoạch hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ 30% mức đóng còn lại cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, các địa phương khác gần như đứng ngoài cuộc.
Cho rằng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế là chủ trương lớn, không phải là chỉ tiêu thành tích, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh phải vào cuộc. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở các nhóm đối tượng nông dân, diêm dân, hộ gia đình với mục đích lớn nhất là bảo hiểm y tế toàn dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, phấn đấu tối thiểu 75% dân số có bảo hiểm y tế vào cuối năm 2015.
Phó Thủ tướng chỉ đạo mở rộng đối tượng đại lý bán bảo hiểm y tế, phối hợp với hệ thống thuế để thu tiền bảo hiểm y tế, tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế ngoài công lập có đủ điều kiện.
Nhấn mạnh đến vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế kiên quyết đẩy mạnh các hoạt động tin học hóa bảo hiểm y tế trên tinh thần thuê hạ tầng dịch vụ, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều phải tin học hóa, nối mạng đồng bộ để cho người dân đi đâu cũng được khám chữa bệnh, thanh toán dễ dàng, tránh tạo kẽ hở, tránh gây thất thoát.
Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2015, hoàn thành việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan quản lý y tế và bảo hiểm xã hội trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam được nối mạng.