Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn

17:10, 21/07/2015

Trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2013-2018, hoạt động Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nhờ vậy, đội ngũ công nhân viên chức, người lao động (CNVCLĐ) đã nhận được sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi từ tổ chức Công đoàn... Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2015) và Hội nghị biểu dương những tấm gương nữ cán bộ, CNVCLĐ điển hình trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Dương Xuân Hùng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Trước hết, đồng chí có thể đánh giá khái quát về sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Công đoàn tỉnh trong những năm qua?

 

Đ/c Dương Xuân Hùng: Tổ chức Công đoàn Việt Nam được thành lập ngày 28-7-1929; Công đoàn tỉnh thành lập từ tháng 11-1946. Nhìn lại chặng đường đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 12 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 2.130 CNVCLĐ (chủ yếu là công nhân trong các xưởng quân giới và thợ thủ công), đến nay toàn tỉnh đã phát triển lên trên 16,7 vạn CNVCLĐ, gần 81 nghìn đoàn viên CĐ; có 9 LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã, 10 CĐ ngành và tương đương, với 1.398 CĐCS ở hầu hết các thành phần kinh tế. Sự phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức CĐ qua các giai đoạn lịch sử là kết quả của sự đoàn kết, trí tuệ, dân chủ và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ CĐ, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.

 

P.V: Được biết đến nay, nhiều chỉ tiêu Đại hội CĐ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2013-2018) đề ra đã cơ bản được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này, đặc biệt là những giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt được kết quả trên?


Đ/c Dương Xuân Hùng: Đại hội CĐ tỉnh lần thứ XV đã thông qua 11 chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2013-2018. Đến nay một số chỉ tiêu đã được hoàn thành, trong đó có việc phát triển đoàn viên CĐ (đạt trên 146% so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ). Để đạt được kết quả này, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp:

 

Thứ nhất là tập trung xây dựng tổ chức CĐ các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng hoạt động CĐ theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình, tạo sức hấp dẫn, thu hút đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức CĐ, xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình hoạt động CĐ "3 không, 3 có", "xây dựng CĐCS thực sự là chỗ dựa tin cậy cho CNVCLĐ". Hoạt động của tổ chức CĐ phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ làm mục tiêu hoạt động, phấn đấu thực hiện mục tiêu: Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức CĐ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp và đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn và lý luận đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Thứ hai là thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động; nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động đại hội đã thông qua; vận động CNVCLĐ tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo do các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn phát động;gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị, với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CNVCLĐ, nâng cao vị thế của tổ chức CĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

 

Thứ ba là CĐ các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị trình độ chuyên môn nghề nghiệp cho CNVCLĐ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về truyền thống giai cấp công nhân và tổ chức CĐ, truyền thống quê hương cách mạng, triển khai có hiệu quả nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân việt nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”, tuyên truyền giáo dục phù hợp với điều kiện sống, làm việc và đối tượng cán bộ CNVCLĐ để góp phần nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức rèn luyện tác phong công nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

 

Thứ tư là tăng cường mối quan hệ thông qua việc ban hành quy chế phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các hội quần chúng nhằm giải quyết tốt và kịp thời các công việc có liên quan đến đời sống, quyền nghĩa vụ của người lao động.

 

P.V: Trong điều kiện hiện nay, làm thế nào để hoạt động CĐ phát huy được hiệu quả cao, đặc biệt là thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thưa đồng chí?


Đ/c Dương Xuân Hùng: Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tổ chức CĐ tỉnh Thái Nguyên đang từng bước đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, tập hợp đông đảo CNVCLĐ vào tổ chức CĐ, phát huy sức mạnh tổng hợp và năng lực sáng tạo của người lao động trong các thành phần kinh tế, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

 

Thực hiện chức năng của tổ chức những năm qua, chúng tôi xác định: Hoạt động CĐ chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi ở đó tổ chức CĐ luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị và nghị quyết của CĐ cấp trên. Kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình tổ chức hoạt động là ba chức năng của tổ chức CĐ phải được thực hiện đầy đủ, triển khai đồng bộ và vận dụng sáng tạo. Công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quá trình tổ chức chỉ đạo cho thấy nơi nào bố trí cán bộ đúng người, giao đúng việc, phù hợp với năng lực và sở trường, bản thân cán bộ nhiệt tình, sâu sát với cơ sở thì ở đó phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ được phát huy.Vị thế của tổ chức CĐ chỉ có thể được khẳng định và thực sự là "chỗ dựa tin cậy" của người lao động khi hoạt động CĐ không xa rời nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung hoạt động phải phù hợp, thiết thực, lấy cơ sở làm địa bàn, CNVCLĐ là đối tượng để tổ chức các hoạt động, đồng thời phải có sơ, tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời.


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!