Tìm đồng đội về với đất mẹ

17:31, 26/07/2015

“Quên sao được nồi cơm của đại đội nấu cho hơn 50 chiến sĩ, nấu xong mà chỉ còn 7 người sạm đen khói bom dìu nhau về ăn. Tất cả anh em đã mãi mãi nằm xuống trên đất Sầm Nưa của nước bạn Lào” - Thương binh hạng ¾ Dương Mạnh Việt, ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ tâm sự.

Năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên ưu tú Dương Mạnh Việt lên đường nhập ngũ. Được giao nhiệm vụ tham gia quân tình nguyện đồng thời làm chuyên gia giúp nước bạn Lào xây dựng quân đội cách mạng chính quy và giải phóng vùng địch chiếm đóng (Đế quốc Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn, đồng minh với Mỹ và phỉ Vàng Pao) để cùng quân giải phóng mở đường Nam tiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  Sau năm 1975, hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chuyên gia tại Lào, chiến sĩ quân giải phóng, thương binh Dương Mạnh Việt (xã Tân Thái, huyện Đại Từ) tiếp tục tham gia vào các chiến trường miền Nam và cả mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1978-1979, suốt 7 năm chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào, tâm trí ông lúc nào cũng đau đáu một tâm nguyện: Đưa đồng đội về đất mẹ cho trọn nghĩa vẹn tình. Chính vì vậy, hơn 40 năm qua, hàng chục lần ông đã vượt hàng trăm nghìn cây số, dầm mưa, dãi nắng trở lại chiến trường xưa bới đất, lật cỏ tìm phần mộ chí đồng đội.

 

Ở tuổi 65, ông vẫn tham gia các hoạt động xã hội như Hội Cựu chiến binh huyện, Thường trực Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam - Lào huyện, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện… nhưng cứ rảnh dỗi là ông lại ngồi viết hồi ký. Ông cho biết: Viết hồi ký cho vơi đi nỗi nhớ đồng đội, bởi tuổi thanh xuân thế hệ các ông được tôi luyện chí khí về lẽ sống, về bản lĩnh người chiến sĩ cộng sản ngay trên chiến trường khốc liệt nhất. Những địa danh như Pha Thí, Tòng Khọ, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng… đã trở thành lối đi lại quen thuộc của đơn vị ông trong chiến dịch. Trong những lần trở lại chiến trường xưa, dù địa hình, cảnh vật đã có nhiều đổi thay, nhưng những mẹ già, cựu chiến binh Lào và cả những thôn nữ năm xưa vẫn còn nhớ ông và đồng đội. Chính vì vậy, lần nào trở lại ông cũng được nhân dân nhiệt tình hỗ trợ tìm phần mộ của chiến sĩ quân tình nguyện, thậm chí còn có những cựu chiến binh bộ đội Pa Thét Lào còn nhớ cả họ tên từng liệt sĩ khi cùng chiến đấu.

 

Bên cuốn hồi ký đã cũ cùng với kỷ vật là những tấm huân, huy chương chiến công ông nhớ lại: Năm 2012, ông cùng một vài đồng đội trong Ban liên lạc Quân tình nguyện ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức thăm lại chiến trường Hủa Phăn kết hợp xác định địa điểm phần mộ liệt sĩ là đồng đội của ông đã hy sinh năm 1972. Đến bản Mường Hiềm, vị Trưởng bản ùa ra ghì chặt lấy từng người trong đoàn và khóc nấc lên gọi tên từng người. Ông ấy chính là chiến sĩ trẻ tên Khăm, theo bộ đội Pa Thét Lào cùng quân tình nguyện chiến đấu và bị địch bắn tỉa khi đang làm giao liên. Viên đạn xuyên từ cằm lên đỉnh đầu, nhưng các chiến sĩ quân tình nguyện đã mổ và cứu sống ông. Hơn 40 năm trôi qua, mỗi con người đều có những đổi thay nhất định, nhưng tình cảm đồng chí sát cánh bên nhau đối mặt với cái chết không biết sờn lòng vẫn còn vẹn nguyên như tình ruột thịt.

 

Mọi người cùng nhau tìm đến trận địa Na Khằng thắp hương làm các nghi lễ tưởng nhớ đồng đội. Sau một ngày phát cỏ, địa hình đã thay đổi nhiều, đồi đất rộng và cây cỏ rậm rạp nên khó xác định. Nơi đây vào năm 1973 đã diễn ra trận giao tranh dữ dội giữa ta và địch trong nhiều ngày trong thế trận không cân sức. Địch dùng nhiều hỏa lực và số đông gần 10 đại đội bộ binh vây hãm, cô lập 1 đại đội của ta. 50 chiến sĩ kề vai, sát cánh tạo lô cốt “thép” trên đỉnh đồi cố thủ đẩy lùi nhiều đợt tấn công của định để chờ chi viện. Đã có những phút giây giáp lá cà một chiến sĩ ta chống lại gần chục tên địch. Lần lượt 37 anh em dựa lưng nhau chắc tay súng hy sinh. Sáng hôm sau, khi xác định đúng đường hào, tôi và Khăm bước đúng 30 bước chân về phía sau trận địa và cho đào thăm dò vài nhát cuốc, lập tức tìm được đúng vị trí đồng đội đang nằm. Tất cả đều được gọi tên và làm đúng nghi lễ trang trọng để đưa về đất mẹ trong niềm xúc động khôn xiết của cả những cựu chiến binh Việt Nam, Lào và dân bản.

 

Hơn chục chuyến đi dài ngày trở lại chiến trường, thương binh Dương Văn Việt đã tham gia tìm kiếm và quy tập được 37 liệt sĩ về nước, trong đó có 2 liệt sĩ người Thái Nguyên, tìm kiếm và quy tập 59 liệt sĩ quân tình nguyện về nghĩa trang của Lào. Đặc biệt, ông đã cung cấp thông tin, sơ đồ mộ chí của 400 liệt sĩ quân tình nguyện tại Lào cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Ông cho biết: Nếu còn sức khỏe, ông sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội.