Chiều 30-7, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với thiên tai. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT và các sở, ngành liên quan.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo nhanh về tình hình mưa bão trên địa bàn trong những ngày vừa qua. Đối với tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận áp cao lục địa ở phía Bắc nên trên địa bàn tỉnh từ ngày 24-7 đến ngày 30-7 đã xuất hiện mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa lớn nhất đo được vào sáng ngày 25-7 là tại huyện Võ Nhai (128mm), Phú Bình (156mm). Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện số 142/CĐ-BCH vào chiều ngày 29-7 về việc phòng ngừa, ứng phó với tình hình mưa lũ do áp thấp gây ra. Đồng thời, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy đã bố trí trực ban 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để kịp thời chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó trước mọi tình huống. Tính đến 12 giờ ngày 30-7, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại do mưa bão gây ra.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 30-7 đến hết ngày 4-8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở khu vực miền núi; vùng đồng bằng, vùng thấp, đô thị có khả năng xảy ra ngập úng. Vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân và khôi phục sản xuất. Các địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình mưa lũ, kịp thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó; kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực mất an toàn. Các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường công tác kiểm tra hồ, đập trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt đối với các hồ đã đầy nước, hồ đang thi công, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra...